Tiểu cảnh Tết Ất Tỵ 2025 của hẻm gồm ba khu vực, lấy ý tưởng từ gian bếp, tiệm tạp hóa và công viên. Ông Thảo ngồi ở khu vực mô phỏng công viên, trang trí bằng hoa cúc, đèn lồng và ghế đá.
"Con hẻm như được 'khoác' lên áo mới", người đàn ông sống ở hẻm hơn 60 năm, nói. Cùng với ông Thảo, hơn chục cư dân khác cũng đến chụp ảnh kỷ niệm.
Hẻm 115 dài hơn 100 m, có khoảng 10 hộ dân sinh sống. Trước đây, bề ngang chỉ vừa lọt chiếc xe máy nhưng từ năm 2020, hẻm được người dân hiến đất, cơi nới rộng 3 m.
Chị Bình An, 45 tuổi, nói kể từ khi không gian rộng hơn, trẻ con ở hẻm rất thích. Chị cùng hàng xóm nảy ý tưởng trang trí, dựng tiểu cảnh để các em được chụp ảnh và vui chơi. Họ đã thực hiện bốn năm, thường vào dịp cận Tết.
Cuối tháng 12, mỗi hộ dân trong hẻm 115 đóng góp tùy tâm, gom được hơn 60 triệu đồng. Bốn gia đình trong hẻm, trong đó có nhà chị An, nhận nhiệm vụ thực hiện trang trí.
Họ tận dụng cành cây được ngôi chùa gần đó cho để trang trí, mua thêm dàn pháo đỏ, mô hình bánh chưng, hoa, lịch, phong bao lì xì. Tan làm, chồng chị An cùng các thanh niên trong hẻm mắc dãy đèn lồng phủ hết 100 m đường. Quá trình chuẩn bị mất một tuần, hoàn thiện vào đầu tháng 1.
"Không khí Tết làm mọi người cảm thấy rộn ràng", chị An nói. "Hàng xóm cũng gắn kết với nhau hơn".
Chị làm nghề bán quần áo, công việc bận rộn vào dịp Tết. Nhờ có tiểu cảnh ở hẻm, chị không phải đưa con đi xa để chụp ảnh. Đồng thời, chị cũng phụ trách trông coi, giữ gìn vệ sinh ở khu vực mọi người đến tham quan.
Một cư dân khác cho biết hẻm thu hút người dân khu vực lân cận đến, mỗi ngày vài chục lượt khách. Trong đó có Nguyễn Minh, 26 tuổi, ở quận Tân Phú. Minh tình cờ xem đoạn video người dân trang trí Tết trên Tik Tok nên rủ bạn đến chụp hình.
Anh cho biết ấn tượng không gian được trang trí công phu, mang hơi thở của Tết xưa. Ví dụ như dãy câu đối, nồi nấu bánh chưng hoặc những cuộn rơm được đặt quanh tiểu cảnh bếp.
"Tôi thấy thích thú vì nó ẩn mình trong một con hẻm khuất tầm nhìn và không nhiều người biết đến", Minh nói.
Ngọc Ngân