Có một sự thật là ngày càng nhiều ứng dụng khuyến khích người dùng đăng ký dịch vụ trả phí, từ dịch vụ phát video, nghe nhạc, tới tin tức. Trang web hẹn hò, dịch vụ email hay ứng dụng nhắn tin yêu thích của bạn cũng có thể yêu cầu trả tiền cho những thứ bạn từng sử dụng miễn phí. Đăng ký trả phí không phải một hình thức mới, nhưng dường như chúng đang trở thành tương lai của mọi thứ.
Quay trở lại những ngày đầu của Internet, rất nhiều thông tin và nội dung giải trí đều miễn phí hoặc tốn rất ít nhờ vào quảng cáo. Khi bạn dành một chút thời gian cho Pepsi, hay bất kỳ một nhãn hiệu nào xuất hiện trên mục quảng cáo, nó đã giúp bạn trả tiền cho các tòa soạn và nhà sản xuất. Mặc dù vẫn có những mặt tiêu cực đối với cách tiếp cận này, rõ ràng, nó đã làm cho tin tức và các hình thức giải trí số tương đối dễ tiếp cận với người dùng Internet.
Quảng cáo cũng từng là nguồn thu của hầu hết mọi thứ trên các trang web. Các hãng tin và trang web phải cạnh tranh với nhau để thu hút lượng truy cập, bởi nhiều người cho rằng quảng cáo sẽ là phương thức thống trị cho nền kinh tế Internet.
Tuy nhiên, tương lai không thực sự diễn ra theo cách đó. Theo một thống kê của Emarketer, hiện tại ở Mỹ, cứ 3 USD chi cho quảng cáo kỹ thuật số, có gần 2 USD rơi vào túi của Google, Facebook và Amazon. Những công ty quảng cáo còn lại chỉ đang cạnh tranh nhau phần còn lại của "miếng bánh".
Kết quả là ngày càng nhiều cá nhân và công ty sáng tạo nội dung mất niềm tin vào quảng cáo. Với phần lớn doanh thu tập trung vào các "ông lớn", quảng cáo rất có thể không thể giúp người dùng trả tiền cho những thứ chúng ta thích hoặc tạo ra đủ thu nhập cho các nhạc sĩ, nhà văn, người dẫn podcast và những người khác đang cố gắng kiếm sống trực tuyến.
Các hãng thu âm lớn từng hy vọng rằng số tiền thu từ YouTube và các nền tảng kinh doanh quảng cáo khác sẽ có thể thay thế nguồn thu của các đợt phát hành CD. Nhưng không, giờ đây, họ đã phải hoàn toàn tập trung vào hình thức phát trực tuyến trả phí. Không chỉ có các hãng lớn theo đuổi chiến lược dịch vụ trả phí, những nhà sáng tạo nội dung trên YouTube hay Instagram cũng liên tục khuyến khích người hâm mộ ủng hộ trực tiếp tiền thông qua Patreon hoặc OnlyFans.
Tuy nhiên, cũng giống hình thức quảng cáo, quá trình chuyển đổi sang loại hình trả phí cũng có những đánh đổi khá nghiêm trọng.
Quảng cáo làm cho tin tức và nội dung dễ dàng tiếp cận độc giả nhờ gần như miễn phí. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn phải mua một năm dịch vụ để có thể xem các nội dung khác nhau, trong khi bạn từng xem chúng trên TV miễn phí? Ảnh hưởng của việc bỏ quảng cáo sẽ là giá đăng ký dịch vụ tăng cao.
Nhưng đó có thể không phải là một điều xấu, bởi giờ đây chúng ta có thể hiểu rõ hơn về giá trị của các loại nội dung. Nó tốn tiền để sản xuất vì vậy cũng tốn tiền để thưởng thức.
Đăng Thiên (theo New York Times)