Larry Page, Eric Schmidt và Sergey Brin. Ảnh: Guardian. |
Sau một thập kỷ, Google được trang bị một mạng lưới máy tính khổng lồ với gần 20.000 nhân viên và đạt giá trị 150 tỷ USD. Hãng này kiểm soát 40% thị trường quảng cáo trực tuyến và chiếm 70% thị phần tìm kiếm trên Internet.
Sự "bành trướng" của Google còn được thể hiện qua con số 48 tỷ USD doanh thu quảng cáo từ năm 2001. Họ cũng đã chi 15 tỷ USD cho những website chấp nhận tích hợp quảng cáo của họ như AOL, Ask.com, MySpace và vô số blog khác.
Thị trường hấp dẫn này đã thúc đẩy Google thực hiện cuộc sáp nhất lớn nhất trong lịch sử phát triển còn "ngắn ngủi" của hãng: 3,2 tỷ USD cho công ty tiếp thị online DoubleClick khoảng 6 tháng trước. Đợt thâu tóm lớn thứ hai là mua lại YouTube (1,65 tỷ USD) - kênh chia sẻ video mà giới phân tích dự đoán sẽ đạt doanh thu 200 triệu USD năm nay.
Dẫn chứng mới nhất về tham vọng mở rộng không ngừng của Google là việc hãng này cho ra mắt trình duyệt web Chrome nhằm giúp công cụ tìm kiếm và các dịch vụ khác của công ty sẽ tiếp cận người dùng dễ dàng hơn. Người ta cũng bắt đầu lo ngại về sự "độc quyền" của Google trong tương lai hay nguy cơ họ có thể thu thập thông tin nhạy cảm của 650 triệu người sử dụng công cụ tra cứu, YouTube, dịch vụ bản đồ Maps, hòm thư Gmail...
Trụ sở chính Googleplex luôn nổi tiếng với không khí thoải mái, những bữa trưa miễn phí, massage và chơi game trong giờ làm việc. Còn hai nhà sáng lập Page và Brin, hiện mới 35 tuổi nhưng mỗi người đã sở hữu khoảng 19 tỷ USD.
Chủ tịch Google là Eric Schmidt còn hy vọng công ty sớm sẽ đạt doanh thu 100 tỷ USD mỗi năm và trở thành "gã khổng lồ" trong làng công nghệ thông tin như Hewlett-Packard và IBM. Năm nay, Google được cho là sẽ lần đầu vượt ngưỡng 20 tỷ USD.
Một trong những mục tiêu hàng đầu của họ trong thập kỷ tới là hiện diện trên điện thoại di động và các thiết bị cầm tay khác. Hãng này còn muốn tạo dựng phiên bản số cho tất cả các cuốn sách trên thế giới, hồ sơ sức khỏe của con người, kinh doanh phần mềm máy tính qua Internet và phát triển công cụ tìm kiếm sao cho nó có thể hiểu ngôn ngữ như con người.
Giới công nghệ gọi Google là câu chuyện thành công "thần kỳ", còn trong đợt kỷ niệm 10 năm thành lập tuần này, ban lãnh đạo công ty này khẳng định "điều tuyệt vời nhất chưa tới".
Lê Nguyên (theo Reuters, BBC)