Trong phiên họp trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Công nghệ thông tin Ấn Độ liên quan đến quyền công dân hôm 29/6, đại diện Google thừa nhận rằng các nhân viên của họ đã nghe các bản ghi âm trò chuyện thông qua Google Assistant. Theo India Today, trong một số trường hợp, các cuộc trò chuyện của người dùng thậm chí còn được ghi lại.
Đại diện Google cũng khẳng định nội dung các câu chuyện được ghi lại là "chung chung" và không nhắm đến mục tiêu cụ thể nào. Dù vậy, hãng được cho là đã không giải thích rõ ràng về cách phân biệt giữa thông tin "nhạy cảm" và thông tin "không nhạy cảm".
Theo các nghị sĩ, hành động của Google đang được xem là vi phạm nghiêm trọng về quyền riêng tư của người dùng. Ban hội thẩm do nghị sĩ Shashi Tharoor đứng đầu cho biết sẽ có văn bản gửi lên chính phủ Ấn Độ về vấn đề này.
Bên cạnh đó, ban hội thẩm cũng yêu cầu các công ty có trợ lý ảo như của Google và các nền tảng truyền thông xã hội cần phải có chính sách bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng Ấn Độ. "Hành động của Google là lời giải thích cho việc tại sao hàng nghìn người dùng sau khi hỏi Google Assistant về khách sạn trong thành phố đã nhận được hàng loạt tin nhắn ưu đãi và quảng cáo", một thành viên hội đồng nói.
Một thành viên khác cho rằng trong các điều khoản của Google với Google Assistant có quy định rằng các bản ghi âm giữa người dùng được ghi lại và lưu trữ. Tuy nhiên, điều khoản không đề cập đến việc nhân viên của họ nghe các đoạn trích từ các bản ghi âm hay không. Điều này là kém minh bạch và vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư của người dùng.
Trở lại năm 2019, Google khi đó xác nhận rằng nhân viên của họ "thỉnh thoảng" lắng nghe các cuộc trò chuyện giữa người dùng và Google Assistant với lý do "phòng ngừa để bảo vệ dữ liệu". Hãng cũng khẳng định các đoạn âm thanh không liên kết cụ thể với bất cứ tài khoản của ai và việc nghe các đoạn âm thanh này cũng chỉ chiếm 0,2% trên toàn cầu.
Google chưa đưa ra bình luận nào.
Bảo Lâm (theo India Today)