Chiếc bình tráng men được gõ búa 20,4 triệu HKD (hơn 65 tỷ đồng), cao nhất phiên ''Bộ sưu tập gốm sứ quan trọng của châu Âu'', tổ chức ngày 9/4. Các cổ vật được Sotheby's mua lại từ nhà sưu tập Edward T. Chow (1910-1980) vào cuối những năm 1960. Theo nhà đấu giá, bình được làm riêng cho cung đình thời Nam Tống (1127-1279), là di sản của triều đại này, có giá trị quý hiếm, nhiều người săn lùng. Đây là loại bình nổi tiếng với hình thức thanh lịch cùng lớp men bóng, thể hiện tính thẩm mỹ ở thời kỳ đó. Hai chiếc chén có nguồn gốc thời Ung Chính thế kỷ 18, trị giá 8,8 triệu HKD (khoảng 28,3 tỷ đồng). Bên ngoài cổ vật phủ một lớp men hồng ngọc cùng tông màu quả mâm xôi, phía trong có họa tiết vải thiều. Nhà đấu giá nhận định món đồ thể hiện khả năng cảm thụ thẩm mỹ của hoàng đế Ung Chính. Theo trang Cổ vật tinh hoa, vua Ung Chính có công hoàn thiện dây chuyền chế tác gốm sứ theo kiểu ''Quan xây dân nung'', được khởi xướng từ thời Khang Hy, giúp lò của quan và dân cùng phát triển. Giai đoạn này, những món đồ xuất xứ từ lò nung ở Cảnh Đức Trấn đều đạt độ tinh xảo, có chất sứ mịn, tạo hình đẹp. Chiếc chén có hoa văn là những đường nứt dài được gõ búa 5,4 triệu HKD (hơn 17,3 tỷ đồng), cao thứ ba tại buổi đấu giá hôm 9/4. Cặp bát thời Ung Chính đạt hơn 5,3 triệu HKD (16,8 triệu đồng). Xung quanh bát vẽ tám đạo sĩ, mô tả câu chuyện Bát Tiên - nhóm tiên trong thần thoại Trung Quốc - dùng sức mạnh vượt qua cơn bão. Tại phiên đấu của Sotheby's Hong Kong ngày 9/4, cặp cốc tráng men màu hồng thời Ung Chính bán được 3,3 triệu HKD (hơn 10,5 tỷ đồng). Nhà đấu giá nhận định cổ vật có hình thức đơn giản, lớp men nhẹ nhàng, thể hiện thẩm mỹ của hoàng đế Ung Chính và những phát triển kỹ thuật trong sản xuất gốm sứ ở thế kỷ 18. Chiếc lọ đựng quân cờ trị giá hơn 2,2 triệu HKD (7,2 tỷ đồng), có nguồn gốc thời Vĩnh Lạc (1402-1424). Tài liệu của Sotheby's cho biết vào đầu triều Minh, cờ vây rất phổ biến, các hoàng đế thích chơi cùng tướng lĩnh, quan đại thần hoặc những kiện tướng nổi tiếng. Vua Vĩnh Lạc thường đấu với Liu Jing - một trong số bậc thầy cờ vua thời đó. Dưới sự bảo trợ của hoàng đế Vĩnh Lạc, chất lượng đồ sứ tại lò nung ở Cảnh Đức Trấn được cải tiến lớn. Cổ vật trong hình có dáng tròn, được đánh giá là mới so với thời Tống, cùng lớp men trắng đòi hỏi công thức đặc biệt và kỹ thuật cao của người thợ gốm. Bát sứ màu xanh và trắng, họa tiết hoa sen thời Tuyên Đức (1425-1435) có giá 2,1 triệu HKD (hơn 6,8 tỷ đồng). Sotheby's nhận định: ''Thân chậu tinh xảo, lớp men mờ và cuộn hoa tinh tế chạy liền mạch quanh bình là các điểm đáng chú ý. Việc vẽ hoa văn một cách sống động trên chiếc bát là minh chứng cho tài năng vượt trội của những người thợ gốm''. Cặp sư tử ngồi trên bệ sen hình vuông, có lớp men mờ màu xanh nhạt. Cổ vật có niên đại từ thế kỷ 6-7, được gõ búa khoảng 1,4 triệu HKD (hơn 4,4 tỷ đồng). Bình gốm tráng men của thế kỷ 17-18 bán được hơn 1,2 triệu HKD (4 tỷ đồng). Phương LinhẢnh: Sotheby's