Khoảng 200 hiện vật gốm cổ Nam Bộ được chọn lọc từ hơn 20 bộ sưu tập tư nhân trên khắp cả nước được trưng bày giới thiệu trong triển lãm. Hiện vật trưng bày đều thuộc các dòng gốm Cây Mai, Biên Hòa, Lái Thiêu... có niên đại từ thế kỷ 18, 19.
Sự đa dạng và vẻ đẹp của gốm vùng Nam Bộ được thể hiện trong các hiện vật này. Những vật dụng sinh hoạt như bát, đĩa, ấm chén hay đồ thờ (tượng, lư hương, bát nhang); đặc biệt là quần thể tượng dùng trong kiến trúc cho thấy sự phong phú của gốm Cây Mai. Những bình, lọ của dòng gốm Biên Hòa giới thiệu vẻ đẹp hoa văn trang trí được tạo nên từ phương pháp vẽ nét chìm hoặc trổ thủng, tô men. Trong khi đó, bình hoa, gối, vật dùng của dòng gốm Lái Thiêu lại mang vẻ đẹp bình dị, thanh thoát từ màu men tới nét vẽ.
Bên cạnh trưng bày đồ gốm Nam Bộ, triển lãm "Gốm Nam Bộ và Cổ vật trong các sưu tập tư nhân" còn giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hiện vật cổ. Các hiện vật có niên đại từ văn hóa Đông Sơn (cách đây khoảng 2000 - 25000 năm), qua các triều đại Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Nguyễn. Ở phần trưng bày này, có nhiều hiện vật quý như cặp đài xông trầm hình Nghê bằng gốm men nhiều màu thời Mạc - Lê Trung Hưng; cặp chân đèn hình Nghê bằng gốm men trắng thời Lê Trung Hưng; chân đèn gốm men lam xám được chế tác từ năm 1589...
Triển lãm "Gốm Nam Bộ và Cổ vật trong các sưu tập tư nhân" được tổ chức bởi nhà sưu tầm Nguyễn Thu Hòa, có sự tham gia của 60 nhà sưu tầm trên khắp cả nước. Tiến sĩ Phạm Quốc Quân - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - nhận xét đây là một sự kiện quan trọng nếu nhìn theo góc độ xã hội hóa các hoạt động bảo tồn, bảo tàng. Bởi trước nay, triển lãm cổ vật lớn đều được thực hiện ở các bảo tàng công lập, thì nay những hiện vật quý nằm trong sưu tập tư nhân đã được chủ sở hữu đứng ra trưng bày.
* Một số hiện vật trong triển lãm
Lam Thu