Thương vụ hoàn tất trong tuần qua và theo Bloomberg đây là một trong những thỏa thuận tài chính lớn nhất kể từ khi dịch bệnh làm đóng băng nhiều hoạt động đầu tư. Lần gọi vốn này nâng tổng số tiền huy động được đến nay của Gojek đạt gần 3 tỷ USD.
"Đầu năm ngoái, chúng ta lần đầu tiên công bố huy động thành công gần một tỷ USD. Tập đoàn đã đặt mục tiêu tăng tổng số vốn huy động lên 2,5 tỷ USD vào đầu năm nay", ông Andre Soelistyo và Kevin Aluwi cho biết trong bức thư nội bộ gửi nhân viên và cho rằng công ty đã dễ dàng vượt mục tiêu huy động vốn đề ra của năm.
Gojek không tiết lộ nguồn vốn tài trợ trên đến từ đâu. Theo Bloomberg, Amazon được cho là một trong những công ty có đàm phán để tham gia vào vòng cấp vốn này, nhưng không rõ đến phút cuối tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới ấy có quyết định đầu tư hay không.
Giao dịch này diễn ra trong bối cảnh các nhà đầu tư ngày càng cảnh giác với việc định giá lĩnh vực công nghệ, điển hình như việc SoftBank gặp khó khăn trong việc xác minh mức giá cao ngất ngưởng của WeWork và Oyo.
"Chúng ta chưa dừng lại ở đây, khi giới đầu tư đang tiếp tục thể hiện nhu cầu mạnh mẽ được hợp tác với công ty", hai vị đồng Tổng giám đốc của Gojek là Andre Soelistyo và Kevin Aluwi chia sẻ với nhân viên tập đoàn trong một thông báo nội bộ. "Hiện chúng tôi vẫn tiếp tục trao đổi một số nội dung rất thú vị và sẽ cập nhật đến các bạn trong thời gian sớm nhất", họ nói thêm.
Số vốn mới có thể giúp nâng cao vị thế của Gojek trong bất kỳ cuộc đàm phán nào với Grab. Hai startup có giá trị lớn nhất Đông Nam Á được cho là đã thảo luận về khả năng của việc sáp nhập, mặc dù Gojek phủ nhận thông tin này và cho biết họ không có kế hoạch cho bất kỳ sự hợp nhất nào.
Tuy nhiên, vốn lớn hơn sẽ cho phép Gojek có thế mạnh đàm phán khác nếu họ quyết định hoán đổi tài sản ở một số quốc gia hoặc tiến hành sáp nhập toàn diện. Cả hai công ty đang "đốt tiền" trong quá trình mở rộng hoạt động trong mảng gọi xe công nghệ, đặt món ăn trực tuyến hay thanh toán, dẫn đến việc một số nhà đầu tư có xu hướng ủng hộ một thỏa thuận không đối đầu. Thế nhưng, các cơ quan quản lý ở Singapore, Indonesia và các quốc gia nhiều khả năng sẽ phản đối bất kỳ thỏa thuận nào làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường.
Ngoài mảng gọi xe công nghệ, Gojek và Grab tại Đông Nam Á đang cạnh tranh ở nhiều lĩnh vực khác như giao đồ ăn. Cả hai đều nhắm đích đến trở thành siêu ứng dụng đa dịch vụ hàng đầu của người dùng.
Gojek được hậu thuẫn bởi Google, Tencent Holdings và Temasek Holdings, cho biết sẽ sử dụng số vốn mới để tiếp tục mở rộng, bất chấp tình trạng bất ổn hiện nay. Startup này lần đầu tung ra ứng dụng gọi xe hai bánh ở Jakarta vào năm 2015 và hiện đã mở rộng cung cấp một loạt dịch vụ theo yêu cầu khác, bao gồm dọn dẹp nhà cửa và giao nhận thuốc men. Gần nhất, Gojek được định giá 10 tỷ đôla Mỹ theo CB Insights.
Phiên An (theo Bloomberg)