Với các thiết kế chung cư hiện nay, có thể sẽ khó cho gia chủ khi chọn vị trí phù hợp để đặt bàn thờ, tủ thờ. Việc lựa chọn mẫu bàn thờ phù hợp đòi hỏi kinh nghiệm và kiến thức. Bạn có thể tham khảo một vài gợi ý dưới đây trước khi mua sản phẩm cho gia đình.
Kiểu dáng
Có 2 kiểu dáng chính là bàn thờ đứng và ban thờ treo. Tùy từng diện tích không gian, nhu cầu, gia chủ để chọn kiểu dáng phù hợp. Bàn thờ đứng có sự tiện dụng trong lắp đặt, an toàn trong quá trình sử dụng bởi khi thắp hương không phải leo trèo, tránh nguy hiểm.
Màu sắc
Màu sắc ban thờ cũng nên hài hòa với xung quanh. Với không gian nội thất tối màu, bạn có thể chọn sản phẩm có gam mầu nâu trầm ấm tạo cảm giác ấm cúng, trang nghiêm. Nếu không gian nội thất sáng màu, bàn thờ nên dùng gam sáng tự nhiên của gỗ. Nước phủ ngoài nên sơn loại bóng mờ dễ tạo sự sang trọng, không quá nổi bật trong không gian tổng thể.
Kích thước
Kích thước, tỷ lệ ban thờ cần hài hòa với tổng thể, không nên quá lớn, chiếm nhiều không gian sinh hoạt bởi có thể gây sự bức bối, ảnh hưởng đến sinh hoạt. Dưới đây là một số kích thước phổ biến được tính theo thước lỗ ban.
Kích thước thường dùng với bàn thờ đứng.
- Chiều ngang: 127cm; 157cm; 175cm , 197cm; 217cm...
- Chiều sâu: 61cm; 69cm; 81cm; 97cm; 107cm; 117cm...
- Chiều cao: 117cm; 127cm...
Kích thước phổ biến cho ban thờ treo
- Sâu 480mm (Hỷ sự) x rộng 810mm (Tài vượng).
- Sâu 480mm (Hỷ sự) x rộng 880 mm (Tiến bảo).
- Sâu 495mm (Tài vượng) x rộng 950mm (Tài vượng).
- Sâu 560mm (Tài vượng) x rộng 950mm (Tài vượng).
- Sâu 610 mm (Tài lộc) x rộng 1070mm (Quý tử).
Chất liệu
Không gian thờ là nơi linh thiêng, thành kính. Vì vậy chất liệu gỗ chế tác ban thờ cần ưu tiên dùng gỗ tốt, chắc chắn, nhằm hạn chế được tối đa mối mọt. Gia đình không nên dùng gỗ kém chất lượng, gỗ tạp, gỗ đã qua sử dụng. Gỗ thường dùng để đóng bàn thờ như sồi, mít, gụ, hương, gõ...
Hoàn thiện góc cạnh, nước sơn, bề mặt
Cùng một chất liệu gỗ như nhau nhưng các sản phẩm có thể nhiều mức giá khác nhau do chất lượng hoàn thiện. Để đánh giá một bàn thờ tốt, bạn cần để ý những yếu tố sau.
Góc cạnh: đều, thẳng, nên được vê tròn với bán kính khoảng 1-2mm. Các chi tiết, họa tiết sắc nét, tinh tế.
Bề mặt: phẳng, mịn, không có bavia. Mộng liên kết kín khít, chắc chắn, có thể kiểm tra bằng cách quan sát các đường ghép, rung lắc thử để cảm nhận độ cứng chắc.
Nước sơn: đồng đều, không chỗ đậm chỗ nhạt. Bên cạnh đó ván mặt dày dặn hoặc làm ván 2 lớp trên, dưới đảm bảo thẩm mỹ tốt, mặt nên làm long khung (khung bo xung quanh, tấm ở giữa) để hạn chế ảnh hưởng của co ngót gỗ trong quá trình sử dụng.
Mặt trái: phẳng, nhẵn, phải sơn lót để đảm bảo không bị môi trường bên ngoài tác động.
Ngọc Thi