Tiểu thuyết gia người Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro là một trong những tác giả viết bằng tiếng Anh được giới phê bình đánh giá cao nhất hiện nay. Ngoài đoạt Nobel văn học, nhà văn 68 tuổi còn đoạt giải Booker và được phong tước hiệp sĩ Anh. Kazuo Ishiguro là tác giả kịch bản phim Living, nhận được đề cử giải BAFTA và Oscar hồi đầu năm cho hạng mục Kịch bản chuyển thể xuất sắc.
Sách cho người mới bắt đầu đọc
Hai tiểu thuyết đầu tiên, Cảnh đồi mờ xám và Một họa sĩ phù thế, đều đề cập trực tiếp đến gốc gác Nhật Bản của Kazuo Ishiguro. Ông đến Anh cùng gia đình khi mới năm tuổi và không trở lại Nhật Bản trong gần 30 năm. Hai tiểu thuyết đều có nhân vật chính là những người nhìn lại cuộc đời của họ trong sự bối rối và hối tiếc, để lại nhiều suy tư cho người đọc.
Cuốn thứ hai là sự phát triển nội dung từ cuốn thứ nhất. Nhưng cuốn thứ ba, cùng chủ đề, sẽ là điểm bắt đầu tốt cho những ai mới đọc Ishiguro: Tàn ngày để lại. Lấy bối cảnh hoàn toàn ở Anh vào những năm 1950, quản gia Stevens, một người trọng phẩm cách, nhớ lại cuộc đời phục vụ của mình cho Huân tước Darlington. Tuy vậy, Huân tước Darlington lại là một người đồng tình với Đức Quốc xã. Sự trung thành không đúng chỗ của Stevens đã khiến ông mất đi cơ hội được yêu thương, đến khi nhận ra thì đã quá muộn.
Tàn ngày để lại là sự cân bằng giữa niềm vui và nỗi buồn, "vừa đẹp vừa tàn nhẫn", như Salman Rushdie từng nhận xét. Tác phẩm đã giành giải Booker và được chuyển thể thành một bộ phim thành công, giành được tám đề cử Oscar.
Một tác phẩm thử thách cách đọc
Với cuốn tiểu thuyết tiếp theo, Ishiguro không viết về một người nhìn lại quá khứ, mà chuyển sang nhân vật đang ở giữa những bối rối. Trong The Unconsoled (Khôn nguôi), Ryder, một nhạc sĩ, đến một thành phố ở trung tâm châu Âu để tổ chức buổi hòa nhạc. Nhưng mọi thứ xung quanh anh ta thay đổi một cách khó hiểu.
Cuốn tiểu thuyết có logic của những giấc mơ, trong đó thời gian, địa điểm và danh tính liên tục thay đổi. Nhà phê bình James Wood của Guardian nhận xét cuốn sách đã "phát minh ra thể loại tồi tệ của riêng nó". Nhưng chính Ishiguro đã thể hiện triệt để nhất ý thức sâu sắc rằng không ai trong chúng ta thực sự biết mình sẽ đi về đâu trong đời. Tác phẩm dần trở thành một kiệt tác, một kiểu Kafka của ngày nay.
Một tác phẩm kỳ lạ
Người khổng lồ ngủ quên, khá kỳ lạ, là một sự bổ sung muộn và tuyệt vời cho văn học Arthur (một thể loại văn học kể về câu chuyện vua Arthur và triều đình của ông). Bối cảnh là nước Anh vào khoảng năm 450 sau Công nguyên, một cặp vợ chồng già, Axl và Beatrice, lên đường tìm kiếm đứa con trai đã thất lạc từ lâu. Vùng đất của họ bị bao trùm bởi hơi thở của rồng tỏa ra một màn sương lãng quên. Nhưng có lẽ điều này là tốt? Vì nếu con rồng bị giết, như hiệp sĩ Sir Gawain đang lên kế hoạch, một người khổng lồ bị chôn vùi sẽ xuất hiện, giải phóng những ký ức khủng khiếp.
Điều tiết lộ nhiều nhất trong tất cả những nhận xét của Ishiguro về tác phẩm là tuyên bố "bản chất không nằm ở bối cảnh".
Tiểu thuyết hậu Nobel
"Giải Nobel là tấm vé đến đám tang của chính mình. Không ai sáng tạo thêm bất cứ gì sau khi có nó", TS Eliot nói khi giành giải năm 1948. Ishiguro giành giải Nobel văn học năm 2017, và được phong tước hiệp sĩ vào 2018.
Klara and the Sun (Klara và Mặt trời) được xuất bản vào năm 2021, cho thấy sức sáng tạo của Kazuo Ishiguro sau khi đạt đỉnh cao văn chương. Người kể chuyện lần này (tất cả tiểu thuyết của Ishiguro đều là kể chuyện ở ngôi thứ nhất) là Klara, một Người bạn Nhân tạo chạy bằng năng lượng Mặt trời, người nỗ lực hết sức vì cô gái đã mua cô về. Giống các tác phẩm của Ishiguro, Klara and the Sun được viết bằng ngôn ngữ trung lập, nhẹ nhàng.
Nếu chỉ đọc một cuốn sách của Kazuo Ishiguro
Mãi đừng xa tôi là tác phẩm khoa học viễn tưởng: Một cuốn tiểu thuyết về những người nhân bản, được nuôi dưỡng với mục đích duy nhất để lấy các bộ phận cơ thể cho đến khi chết. Tuy nhiên, tác phẩm đặt ra câu hỏi cốt lõi: Chúng ta sẽ hành xử như thế nào khi biết rằng mình chỉ có một khoảng thời gian nhất định và không thể thoát khỏi bản án tử hình.
Khác xa với câu chuyện viễn tưởng của tương lai hay công nghệ, Mãi đừng xa tôi lấy bối cảnh trong quá khứ, được thuật lại vào cuối những năm 1990, nhìn lại những thập niên trước. Kathy, 31 tuổi, là "người chăm sóc" cho những người nhân bản của cô ấy, định mệnh của cô là trở thành "người hiến tặng" và sứ mệnh của cô sẽ sớm "hoàn thành". Cô nói về những gì quan trọng trong cuộc sống, tình bạn, tình yêu và sự thất vọng của bản thân. Cuốn sách đoạt giải Booker năm 2005.
Minh Trung (theo Guardian)