Thứ hai, 16/9/2024
Thứ sáu, 30/8/2024, 21:15 (GMT+7)

Gợi ý 4 điểm đến tâm linh gần Hà Nội dịp 2/9

Hà NamCách Hà Nội khoảng 100 km, Hà Nam sở hữu nhiều điểm đến tâm linh phù hợp cho du khách ghé thăm dịp nghỉ lễ, như chùa Long Đọi Sơn, đền Trần Thương, chùa Bầu và đền Lảnh Giang.

Chùa Long Đọi Sơn

Tọa lạc trên đỉnh núi Long Đọi, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, chùa Long Đọi Sơn gần 1.000 năm tuổi là danh thắng nổi tiếng, trung tâm Phật giáo của trấn Sơn Nam xưa. Quanh chân núi có 9 giếng nước tự nhiên, dân gian gọi là chín mắt rồng. Ngôi chùa này được đánh giá có vẻ đẹp an yên, tĩnh mịch và huyền bí, tách biệt với nhịp sống bên ngoài.

Để lên đến chùa, du khách phải leo gần 373 bậc đá xẻ, đá phiến lớn men theo triền núi. Bước chân vào khu vực chùa, du khách có thể cảm nhận rõ vẻ đẹp cổ kính và không khí bình yên, thanh tịnh.

Theo sử sách, ngôi chùa do vua Lý Thánh Tông và Vương phi Ỷ Lan chủ trì xây dựng năm 1054. Qua nhiều thời đại và biến cố lịch sử, chùa được trùng tu tôn tạo nhưng vẫn giữ được nét cổ kính và những kiến trúc tiêu biểu thời Lý.

Chùa hiện còn giữ được nhiều di vật quý, đặc biệt là tấm bia Sùng Thiện Diên Linh gần 900 năm tuổi. Với những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu, cuối năm 2017, quần thể di tích chùa Long Đọi Sơn được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Long Đọi Sơn thường thu hút du khách đến chiêm bái, cầu an vào dịp lễ hội chùa ngày 21/3 Âm lịch hằng năm. Tuy nhiên, ngày càng nhiều du khách, đặc biệt là giới trẻ đến chùa vào dịp cuối tuần hoặc ngày thường để đi lễ, vãn cảnh.

Đền Trần Thương

Nằm tại xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân, đền Trần Thương thờ vị anh hùng dân tộc Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, cùng gia đình ông và các tướng lĩnh có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII. Ngôi đền mang vẻ đẹp thâm nghiêm, cổ kính nằm trên thế đất thiêng được xây kiểu "Tứ thủy quy đường". Tổng thể cảnh quan đền gồm: nghi môn ngoại, nghi môn nội, 5 tòa, 15 gian, chia thành 3 cung: đệ nhất, đệ nhị, đệ tam và hai giải vũ, 5 giếng…

Dù trải qua nhiều thế kỷ nhưng ngôi đền vẫn giữ được nét đẹp kiến trúc cổ kính và trở thành một trong những điểm tâm linh được yêu thích nhất Hà Nam. Ngoài ra, nét thẩm mỹ, lịch sử, văn hóa, không gian khoáng đạt bên ngoài ngôi đền cũng gây ấn tượng với du khách.

Chùa Bầu

Toạ lạc trên diện tích 4.000 m2 tại đường Nguyễn Văn Trỗi, phường Hai Bà Trưng, chùa Bầu (Thiên Bảo Tự) là ngôi chùa lớn nhất TP Phủ Lý, sở hữu một hồ nước lớn ở phía trước.

Trước đây, chùa Bầu chỉ là ngôi nhà ba gian nhỏ nhưng nay được trùng tu khang trang, quy mô với lối kiến trúc cổ kính pha lẫn nét hiện đại. Không gian ngôi chùa rộng rãi, thoáng đãng, không chỉ thích hợp để tu dưỡng tâm hồn, còn là điểm đến tâm linh có cảnh quan, kiến trúc đẹp bậc nhất Hà Nam.

Hiện chùa Bầu vẫn còn lưu giữ 28 đạo sắc phong về Đức Pháp Vân Phật từ triều Vĩnh Thịnh năm thứ 6 (năm 1663), được các tăng ni bảo quản cẩn thận như minh chứng cho sự nhiệm màu. Chùa Bầu còn là trụ sở Giáo hội Phật giáo Hà Nam và là nơi diễn ra các hoạt động Phật sự hàng năm.

Đền Lảnh Giang

Đền Lảnh Giang (Quan lớn Đệ Tam) tọa lạc tại thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên là một trong những di tích tiêu biểu của tỉnh, hội tụ nhiều giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa, tâm linh. Đền thờ ba vị tướng thời Hùng Vương thứ 18, trong đó thờ chính là vị thần trấn an tây nam Tam Kỳ Linh ứng Đại vương (Quan lớn Đệ Tam). Nơi đây còn thờ Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung, Tam Tòa Thánh mẫu, Tứ Phủ công đồng.

Trong khuôn viên rộng 3.000 m2, đền nằm giữa không gian xanh mát của cây trái, rừng nhãn, bến nước, đầm sen.

Lễ hội đền Lảnh Giang diễn ra từ ngày 18 đến 25/6 và tháng 8 hàng năm. Tuy nhiên, hiện nay, không chỉ vào dịp lễ hội, đền Lảnh Giang còn thu hút đông đảo du khách, phật tử đi lễ, vãn cảnh quanh năm.

Thanh Thư
Ảnh: Tuấn Nam

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net