Thầy Quang Nguyen, chuyên gia đào tạo phát âm tiếng Anh chia sẻ một số cách gọi tên các loại đồ uống quen thuộc trong mùa hè:
"Do you want some icy cold water?" - Bác Don hỏi tôi trong một buổi cắm trại vào ngày hè nóng bức. Không có từ nào mới cả, nhưng cách diễn đạt thật thú vị. Nếu phải dịch từ "nước đá" có lẽ tôi sẽ dùng "ice water" chứ không phải là "icy cold water". Thực ra "ice water" là nước băng (tuyết) tan chảy, chứ không phải nước đá lạnh.
Trong một dịp đi ăn nhà hàng với đôi bạn thân người Mỹ, khi một người gọi "orange juice" (nước cam), tôi cũng hăng hái gọi "lemon juice" (nước chanh). Người phục vụ lắp bắp hỏi lại: "Do you mean lemonade?". Đúng thật, "lemonade" là nước chanh, còn "lemon juice" là nước cốt chanh, chỉ dùng để vắt vào salad được thôi chứ ai uống bao giờ. Mà thật ra "lemonade" là nước chanh từ quả chanh vàng (lemon), còn chanh ở Việt Nam thì là "lime", nên gọi là "limeade". Nhưng ở Mỹ thì chỉ có "lemonade" thôi. Vì vậy, nếu gọi nước chanh muối thì đó là "salted lemonade" (nếu làm từ chanh vàng) hoặc "salted limenade" các bạn nhé.
Nếu được vắt trực tiếp từ các loại quả như cam hay chanh thì đồ uống đó gọi là "juice", ví dụ "apple juice", "peach juice"... Riêng với nước dừa thì bạn có thể dùng từ "coconut water" hoặc "coconut juice", còn cùi dừa thì gọi là "coconut meat".
Khi bạn xay nhuyễn hoa quả và cho thêm một chút đá và sữa thì gọi là "smoothie" (sinh tố). Có một loại đồ uống khác gần giống với "smoothie" nhưng thành phần chính là sữa, được xay với đá và một ít hoa quả, gọi là "shake". Hồi ở Mỹ, tụi nhỏ nhà tôi rất thích món "milk shake".
Ở Việt Nam, đồ uống "kinh điển" chắc hẳn là "trà đá". Trà đá tiếng Anh là "iced tea" (hoặc icy cold tea). Ngồi trà đá ở Việt Nam, các bạn có thể uống những món rất khó dịch ra tiếng Anh như nước mơ, nước sấu. Vậy ta có thể gọi tên chúng thế nào?
Nước mơ là quả mơ được ngâm với đường - apricots soaked in sugar. Tôi nghĩ nước cốt mơ do đó có thể tạm dịch là "sugar-soaked apricot juice", và nước mơ là "sugar-soaked apricot juice with icy cold water". Nhưng cách dịch đó chẳng thực tế chút nào vì sẽ làm cho người nói méo hết cả miệng mất. Nên nếu mời người nước ngoài uống một cốc nước mơ, tôi sẽ giới thiệu: đây là quả "apricots" này, rồi "soak them in sugar in a few months to a few years", rồi từ đó ta sẽ có "soaked apricots juice". Tiếp đó, nước cốt được "add sugar, icy cold water" and "mix them up" để ra được nước mơ. Ngoài ra, tôi sẽ nói thêm là "mơ" trong tiếng Việt còn có nghĩa là "dream" nữa, nên uống nước này vào tối nay "you will have sweet dreams".
Nước sấu thì tương tự, miễn là bạn nhớ được tên quả sấu là "Dracontomelon". Để dễ nhớ, bạn tách từ ra thành 2 nửa "draconto - melon" (melon là quả dưa). Cách phát âm của từ quả sấu thì tôi không thấy trong một số cuốn từ điển online phổ biến, nên phải nghe và tự làm IPA, đó là /ˈdreɪkəntoʊˈmɛlən/. Vì thế, nếu bạn có nói cho người nước ngoài đúng tên chuẩn của "quả sấu" thì người nghe cũng không hiểu nó là quả gì. Nếu định giới thiệu "nước sấu" thì cứ dạy họ nói "nước sấu" là được.
Hồi học ở Mỹ, tôi bất ngờ khi biết lượng tiêu thụ "soft drink" (nước ngọt có ga) trên thế giới còn lớn hơn "drinking water" (nước lọc). "Soft drink" là tên gọi chung cho các loại nước có ga không cồn như Coca, Pepsi, 7Ups... Còn những đồ uống như bia (beer) hay rượu (wine, spirits...) thì gọi chung là "alcoholic drink".
Vậy nước mía trong tiếng Anh gọi là gì?. Hồi năm 2005, một bà chị của tôi ở Mỹ về Việt Nam đã dùng "sugar cane juice" để gọi loại đồ uống này, và nhận xét "It's the best drink in Vietnam". Nên nếu có bạn bè nước ngoài qua Việt Nam, bạn nhớ mời họ một cốc "sugar cane juice" nhé.
Quang Nguyen