Cụ thể, các đơn vị tham gia dự án sẽ có cơ hội đánh giá sức khỏe doanh nghiệp, xác định vấn đề làm giảm hiệu suất và sức cạnh tranh. Từ kết quả đánh giá, Ngân hàng Thế giới (World Bank) sẽ tư vấn đào tạo chuyển đổi số; ứng dụng giải pháp công nghệ vào vận hành và quản trị; phân tích số liệu, đo lường hiệu quả ứng dụng chuyển đổi số.
Dự án đồng thời hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp ứng dụng ba giải pháp công nghệ: quản lý khách hàng và bán hàng (CRM), quản lý nhân sự (HRM) và giao tiếp nội bộ (Messaging ). Điểm mới, chương trình năm nay mở rộng dịch vụ hỗ trợ như hosting website, cung cấp chứng chỉ bảo mật HTTPS SSL, dịch vụ báo website lỗi qua điện thoại và email.
Chương trình có hai gói hỗ trợ tài chính. Đầu tiên, gói Digital Express tài trợ kinh phí cho 100% nhân viên đăng ký sử dụng (tối đa 100 nhân viên mỗi doanh nghiệp).
Doanh nghiệp có thể đăng ký tham gia Dự án hỗ trợ SME Việt Nam chuyển đổi số miễn phí của World Bank tại đây.
Thứ hai, gói Digital Prime tài trợ kinh phí cho từ 20-100% nhân viên (tối đa 100 nhân viên mỗi doanh nghiệp).
Tổng thời gian tài trợ cho kéo dài 12 tháng. Ở mỗi gói hỗ trợ, có 300 doanh nghiệp sẽ được chọn khi tham gia bốc thăm ngẫu nhiên. Sau năm đầu tiên triển khai, dự án đã thực hiện ba vòng tuyển chọn, tìm ra 396 doanh nghiệp sẽ nhận hỗ trợ từ World Bank. Hiện còn một vòng cuối cùng để chọn ra 204 doanh nghiệp.
Doanh nghiệp hoạt động trong mọi lĩnh vực kinh doanh có thể đăng ký tham gia. Doanh nghiệp cần cam kết cung cấp chính xác thông tin, thực hiện các nội dung theo hướng dẫn và yêu cầu khảo sát để đạt hiệu quả tối đa quá trình chuyển đổi số.
Ông Shawn Tan, chuyên gia Kinh tế cao cấp của World Bank cho biết, ERP là phần mềm quản trị doanh nghiệp cho phép các doanh nghiệp thu thập, lưu trữ và quản lý những dữ liệu từ hoạt động kinh doanh. Khi áp dụng những công cụ này, đơn vị có thể cải thiện quá trình trao đổi thông tin, tăng hiệu quả phối hợp giữa người lao động và quy trình hành chính, lên kế hoạch và chiến lược bán hàng tốt hơn, tăng năng suất và chất lượng phục vụ khách hàng, từ đó đem lại lợi nhuận cao hơn.
SME Việt Nam có lỗ hổng về áp dụng công nghệ số, họ hiếm khi sử dụng công nghệ số tiên tiến như phần mềm ERP, phần mềm về quản trị doanh nghiệp về kế toán, tài chính hay nguồn nhân lực... Mức độ sử dụng về quản lý khách hàng còn ít, marketing và phát triển sản phẩm còn hạn chế, ông Shawn Tan nhìn nhận.
Bà Trần Thu Trang - chuyên gia Kinh tế cao cấp của World Bank cho biết, khi thực hiện khảo sát mức ứng dụng công nghệ ở Việt Nam, kết quả thể hiện chỉ số doanh nghiệp SME chuyển đổi số của Việt Nam ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Đa phần các SME Việt vướng phải những khó khăn như thiếu thông tin về công nghệ phù hợp, rào cản về khả năng thay đổi trong công ty hay rào cản tiếp cận vốn.
Minh Tú