Một dãy nhà trọ cho công nhân, giá 1,7 triệu đồng một phòng trong khu phố 2, Bình Thuận, Quận 7, TP HCM. Ảnh: Kim Anh
Xung quanh khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP HCM, trong vòng bán kính 2-3 km có rất nhiều khu trọ của công nhân. Một phòng trọ khép kín, diện tích 14-18 mét vuông, cộng thêm một gác xép giá khoảng 1,3-1,7 triệu một tháng.
Bà Liệu, chủ một khu nhà trọ tại phường Bình Thuận cho biết những căn phòng khoảng 1,5 triệu đồng lúc nào cũng dễ cho thuê. Người cũ chưa trả nhà, người mới đã nhăm nhe đòi dọn vào. Những phòng trọ giá hơn 2 triệu thì hơi khó cho thuê. Bà xây 3 phòng trọ rộng 20 mét vuông, kèm thêm gác xép, cho thuê với giá 2,3 triệu đồng nhưng sau khi hoàn thiện phải mất hơn một tháng mới có người thuê.
Bà Quỳ, chủ một dãy phòng trọ trong hẻm đường Bùi Văn Ba (phường Tân Thuận Đông) cho biết công nhân và sinh viên thuê trọ mỗi tháng dùng tổng tiền điện nước chỉ khoảng 100.000 đồng. Đấy là giá điện nước dành cho người thuê nhà thường cao hơn giá bán của công ty điện lực và cấp nước, do giá tính lũy tiến và chủ nhà đã trừ hao điện nước thất thoát vào các đường dây, đường ống và máy bơm nước. Bà Quỳ tính 3.000 đồng cho một số điện và 15.000 đồng cho một khối nước.
Nhà nào có con nhỏ còn mua tủ lạnh, nếu không đồ điện chỉ có nồi cơm, bóng đèn thắp sắng, quạt máy, tivi, sạc điện thoại, máy tính, một số gia đình có thêm bàn là, máy sấy tóc. Gia đình chị Hương trong khu trọ của bà Quỳ thường dùng nhiều điện nước nhất vì có hai vợ chồng, một đứa con 3 tuổi và bà nội ở quê lên chăm cháu. Tháng vừa rồi nhà chị dùng hết 17 kWh điện và 4 khối nước. "Tôi hạn chế dùng điện, nước cho chảy nho nhỏ để đồng hồ đỡ quay tiết kiệm chi phí phải trả", chị Hương nói.
Gia đình chị Thùy (thu ngân siêu thị) và anh Minh (bảo vệ cho một công ty) mỗi tháng thu nhập khoảng 8 triệu đồng. Ngoài khoản cố định 2 triệu gửi về quê cho ông bà ngoại chăm cháu (bé nhà chị mới được 1 tuổi), 1,5 triệu tiền nhà, chị luôn cố gắng dành ra 1 triệu đồng tiết kiệm.
Chị chia sẻ bí quyết tiết kiệm như mỗi lần chỉ nạp 20.000 hoặc 50.000 đồng tiền điện thoại để hạn chế sử dụng và thường nạp vào dịp khuyến mại của nhà mạng. Thiết bị điện vợ chồng chị đều chọn những loại tốn ít năng lượng. Chị không bao giờ để quạt quay, đèn sáng hay ti vi mở mà không có người sử dụng. Nước có thể tái sử dụng, ví dụ nước giặt đầu của quần áo và nước đầu của rửa bát bằng nước rửa rau cuối. Quần áo đi làm cả vợ chồng đã có đồng phục nên không phải mua sắm nhiều, chỉ mua vài bộ mặc ở nhà hay đi chơi, sắm tại các hàng bày bán trên vỉa hè cho công nhân.
Theo chị Thu Hà (giảng viên kế toán một trường cao đẳng tại Hà Nội) và chị Thúy Nga (kế toán của một ngân hàng), nếu thu nhập của cả hai vợ chồng thấp, phải nuôi một con nhỏ, bạn có thể tạm cân đối chi tiêu của gia đình như sau và nên ghi chép các món chi tiêu để không bị vung tay quá trán:
- 10% dự phòng khi đau ốm.
- 30% thuê nhà, điện, nước, xăng xe, điện thoại. Nếu phải thuê nhà, bạn nên thuê ở gần nơi làm việc để có thể đi xe đạp đi làm. Khi phải đi đâu xa, nên đi xe buýt, đi lại thường xuyên có thể mua vé tháng. Nếu gia đình đã có sẵn nhà cửa thì nên tăng số tiền dự phòng hoặc đầu tư cho các đồ đạc, vật dụng trong nhà.
- 35% chi phí ăn uống và các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày (như kem đánh răng, xà phòng...). Nên chọn mua những thức ăn rẻ tiền mà vẫn đảm bảo vệ sinh thực phẩm như rau đúng vụ, đậu phụ, lạc, vừng, thịt heo, trứng, hến, trai, tôm cá loại nhỏ... Đồ tiêu dùng nên mua những sản phẩm sản xuất trong nước, có nhãn hiệu, nguồn gốc rõ ràng để tránh mang bệnh từ những đồ dùng không đảm bảo chất lượng. Có thể tiết kiệm tiền cơm trưa bằng cách nấu sẵn tại nhà, đóng cặp lồng mang theo.
- 25% chi phí cho con cái gồm: học phí, quần áo, sách vở, sữa. Nếu bố mẹ thu nhập ở mức lương cơ bản thì nên cho con đi học trường công. Anh chị em có thể mặc thừa quần áo của nhau.
- Và đặc biệt, bạn hãy cố gắng kiếm thêm những công việc tay trái để tăng thu nhập.
Kim Anh