Tại cuộc họp ngành ngân hàng 9 tháng đầu năm ngày 22/9, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, cơ quan này đã sẵn sàng tái cấp vốn khoản tiền 16.000 tỷ đồng lãi suất 0% cho Ngân hàng Chính sách xã hội.
Khoản tiền này trước đây được triển khai để doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vay vốn lãi suất 0% trả lương người lao động. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, chỉ có một doanh nghiệp đủ điều kiện theo các quy định được Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đề xuất.
Chia sẻ với VnExpress, ông Tuấn Anh khẳng định, sau quá trình đánh giá, các quy định mới sắp được ban hành sẽ cụ thể và hiệu quả hơn. Thay vì quy định chỉ "doanh nghiệp gặp khó khăn" một cách chung chung, giờ công ty nào có doanh thu giảm 20% so với trước dịch có thể tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất 0% từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Khoản tiền cũng được giải ngân trực tiếp về doanh nghiệp thay vì người lao động như quy định cũ.
Tại cuộc họp, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, đến giữa tháng 9, tín dụng cho nền kinh tế chỉ tăng 4,8% so với cuối năm 2019, trong khi cùng kỳ tăng 8,4%.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhận định, ngành ngân hàng đã vào cuộc sớm với giải pháp ‘trúng và đúng’ với nhu cầu thực tế, đặc biệt là Thông tư 01 về tái cơ cấu nợ và miễn giảm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch.
Thông tư 01 ra đời sớm nhưng một số ngân hàng cũng phản ánh do quy định chưa cụ thể nên nhiều khách hàng bị "bỏ ngoài" chính sách. Ngân hàng Nhà nước đã khảo sát và ghi nhận khó khăn vướng mắc trong quá trình cơ cấu và giảm lãi vay cho khách hàng.
Theo bà Hồng, hiện Thông tư sửa đổi đang chờ ý kiến từ các Bộ ngành liên quan. Gần đây nhất, Ngân hàng Nhà nước nhận được đánh giá của Bộ Tài chính. Cơ quan thanh tra sẽ là đầu mối phối hợp cùng các đơn vị chức năng để sớm trình Thống đốc ban hành Thông tư 01 sửa đổi.
Bên cạnh đó, Phó thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước cũng cố gắng giảm tiếp lãi suất cho vay. Từ cuối năm 2019 đến nay, cơ quan này đã 4 lần giảm lãi suất điều hành và trong trường hợp cần thiết, sẵn sàng tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại.
Thời gian tới, bà Hồng cho biết ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho người vay vốn nhưng không hạ chuẩn cho vay. " Kinh nghiệm cho thấy, an toàn hệ thống ngân hàng nếu không được đảm bảo sẽ gây hệ luỵ khó khăn cho nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp", bà nói.
Để tăng tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (những đối tượng hạn chế về tiềm lực tài chính hay xây dựng phương án sản xuất kinh doanh), nhiều chuyên gia cho rằng rất cần chính sách bảo lãnh từ Chính phủ.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cũng từng chia sẻ với VnExpress, ngân hàng cũng là đơn vị kinh doanh và họ rất sợ cho vay nhưng không thu hồi được vốn, đặc biệt trong bối cảnh sức kháng cự của doanh nghiệp kém đi về dịch bệnh.
"Nếu ngân hàng vỡ trận còn nguy kịch gấp nhiều lần, tương tự như những gì chúng ta đã chứng kiến trong cuộc khủng hoảng năm 2008-2009 khi cục nợ xấu để lại ảnh hưởng trong suốt thời gian dài", ông nói.
Vì thế để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với sức chống chịu yếu, chuyên gia đề cập tới việc Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn. Bên cạnh gói hỗ trợ an sinh xã hội, một số nước cũng có gói hỗ trợ để cho vay với doanh nghiêp nhỏ và vừa (SMEs) dưới hình thức quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhằm giúp họ tiếp cận nguồn vốn mới của ngân hàng.
Theo ông, nguồn bổ sung từ Chính phủ sẽ giúp quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn có tiền hỗ trợ bù đắp rủi ro. Các quỹ này có thể tập trung cho một số doanh nghiệp nằm ở khu vực đầu tàu như Hà Nội và TP HCM... "Chỉ với giải pháp này, ngân hàng mới có thể mạnh dạn cho vay còn doanh nghiệp mới tiếp cận được vốn", ông nói.
Quỳnh Trang