Đó là việc nâng cao kỹ năng tham vấn người dân cho các đại biểu dân cử. Thời còn công tác, tôi luôn cố thúc đẩy các dự án về nâng cao kỹ năng tham vấn công chúng, từ nguồn tài trợ quốc tế. Bây giờ về hưu, tôi tiếp tục đi giảng các lớp cho hội đồng nhân dân địa phương, về cùng chủ đề này.
Tham vấn người dân, hay rộng hơn, là lắng nghe và trò chuyện cùng nhân dân, là một đòi hỏi đã được luật hóa. Có thể bắt gặp đòi hỏi ấy trong nhiều văn bản, đặc biệt là Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Nhưng kỹ năng tham vấn công chúng, trong đó có kỹ năng đối thoại với người dân, không phải là điểm mạnh của phần lớn cán bộ tại Việt Nam.
Nguyên nhân quan trọng nhất, là bởi kỹ năng ấy không phải là một tiêu chuẩn để đánh giá, lựa chọn và đề bạt cán bộ. Cũng chưa có một chương trình đào tạo chính thức nào dành cho lãnh đạo về kỹ năng thương thuyết, đối thoại, tham vấn người dân.
Trong khi trước thực tế cuộc sống, thì đó lại là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Chính sách không phải lúc nào cũng đi vào cuộc sống một cách dễ dàng. Và lúc đó, cần những lãnh đạo biết nói chuyện. Đơn cử, như ông Nguyễn Bá Thanh.
Đà Nẵng trong hơn 20 năm chuyển mình, trở thành một công trường lớn với rất nhiều mâu thuẫn liên quan đến đền bù, giải tỏa. Có những xung đột tưởng như không thể giải quyết nổi.
Năm 2009, nổi lên vụ giáo xứ Cồn Dầu. Trong suốt một thời gian dài, nơi này trở thành điểm nóng về an ninh. Người dân Cồn Dầu không muốn chứng kiến làng mình bị giải tỏa trắng.
Thời điểm đó, Đà Nẵng ghi nhận hình ảnh ông bí thư Thành ủy đơn thương độc mã, chỉ một xe, một người lái xe, đi thẳng vào sân ủy ban phường. Để gặp gỡ và trả lời từng chất vấn của người dân. Trên báo Công An Đà Nẵng còn ghi lại một cuộc đối thoại giữa bí thư Bá Thanh và người dân về chuyện... một cây mai.
Những cuộc nói chuyện như thế bây giờ đã tạo ra một khu đô thị khang trang. Phường Hòa Xuân của Đà Nẵng, điểm nóng năm xưa, bây giờ trở thành phường duy nhất trong cả nước không có kiệt, hẻm, đường hẹp nhất cũng rộng 5,5 mét.
Một trong những lý do mà người dân quý bí thư Nguyễn Bá Thanh, là bởi tính cách của ông thẳng băng.
Chính quyền có lý lẽ của chính quyền, người dân có lý lẽ của người dân. Và trao đổi để thấy được lý lẽ của nhau, thỏa thuận với nhau, đó là cách làm của ông Thanh.
Đó chỉ là một ví dụ tiêu biểu cho một vị lãnh đạo có kỹ năng thương thuyết. Nhưng những trường hợp như thế, đáng tiếc, chưa có nhiều.
Cho dù mâu thuẫn có lớn tới đâu, cũng luôn có cách để đối thoại. Trong phần lớn các xung đột, người dân bất mãn với chính quyền cấp dưới, nhưng luôn bày tỏ sự tuân thủ và trông đợi chính quyền cấp trên. Họ muốn được đối thoại với người có thẩm quyền, có khả năng giải quyết. Họ cũng muốn giải quyết vấn đề của mình. Họ cũng bế tắc, họ cũng muốn tìm lối ra.
Những tấm biểu ngữ khẳng định người dân Đồng Tâm “không bạo loạn” và bày tỏ niềm tin vào chính sách, đường lối ở trên cánh đồng Sênh - nơi diễn ra các xung đột ở xã Đồng Tâm, Mỹ Đức bây giờ là bằng chứng cho điều đó.
Những tấm biểu ngữ ấy, không thể hiện rằng họ không vi phạm pháp luật. Không ai biện minh cho hành động bắt giữ người trái pháp luật. Nhưng nhìn những biểu ngữ ấy, người ta hiểu rằng dân Đồng Tâm đã ở một thế rất bí. Và trong sự bế tắc ấy, họ vẫn muốn bày tỏ niềm tin với chính quyền cấp cao để mong được giải quyết việc của mình.
Tảng băng nghi kị giữa người dân và chính quyền, nếu tồn tại, chỉ có thể được phá vỡ bởi thiện chí.
Và nếu có bên nào ở thế có quyền thể hiện thiện chí trước, thì đó là phía chính quyền. Chính quyền ở thế có quyền lực so với người dân. Và quan trọng nhất, là dù thế nào đi chăng nữa, thì những người ấy, vẫn là dân của mình.
Chiều qua, chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung đã xuống Mỹ Đức, mời người dân ra ủy ban huyện để gặp mặt. Tuy cuộc đối thoại diễn ra không như kỳ vọng, khi lời mời của ông Chung chưa được đón nhận, nhưng đó chắc chắn là một bước khả quan trong nỗ lực bày tỏ thiện chí.
Đất nước sẽ mất rất nhiều nếu những mâu thuẫn như Mỹ Đức được giải quyết bằng một cách nào đó khác, mà không phải là đối thoại.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng