Thầy Hải, 40 tuổi, sống cùng cha mẹ già trong túp lều bằng nilon, mảnh tôn, ván ép và cọc gỗ neo vào những gốc cây vú sữa và cây gạo, trên miếng đất ở nhờ của ủy ban huyện Tri Tôn, An Giang. Người thầy hỏi gì chỉ cười là một trong hàng trăm thầy cô vùng biên giới Tây Nam nhiều năm âm thầm đóng góp cho các bản báo cáo về sự nghiệp xóa mù chữ quốc gia bằng việc lôi kéo học sinh, nhất là cộng đồng người dân tộc thiểu số không bỏ trường.
Khi thầy đến từng ngôi nhà trong sóc của người Khmer, ngồi bệt ở hàng hiên dần tối, đợi bố mẹ bọn nhỏ đi kiếm củi về, "cho bọn nhỏ tới trường đi, không mất tiền học còn được chơi". Họ bảo: "tui nghèo muốn chết, có cái nhà còn đi ở đậu thầy ơi". Họ đâu biết thầy còn nghèo hơn. Thầy Hải đã làm việc ở trường A Ba Chúc gần 15 năm, nhưng vẫn chưa đủ tiền làm nhà và chưa dám nghĩ đến chuyện hỏi vợ vì "mình nghèo vầy đâu dám làm khổ lây ai".
Rồi qua bài báo, một bạn đọc gọi cho chúng tôi, người phụ nữ xin giấu tên hơn 60 tuổi sống ở Sài Gòn. Bà lặn lội về Tri Tôn, tới nhà thầy Hải. Bà kể, bà sống bằng lương hưu, nhưng vì đang xây dở một lớp học trên Cao Bằng nên phải dồn tiền cho công trình, tạm thời chỉ có năm triệu Đồng tặng thầy Hải. "Ráng lên chứ chưa đến nỗi đâu", bà dặn thầy.
Với năm triệu đồng "vốn mồi", thầy Hồ Văn Nguyên, Hiệu trưởng trường A Ba Chúc bàn với gia đình thầy Hải. Bố mẹ thầy Hải có 60 triệu tiết kiệm, thầy Hải làm giấy vay ngân hàng thêm 40 triệu Đồng. Rồi thầy Nguyên gặp một phụ huynh làm nghề xây dựng. Ông dắt phụ huynh tới túp lều của thầy Hải: "Đây, hoàn cảnh vầy, nhà sắp sập, cùng nhau giúp cho người ta". Người thợ xây phân trần, nhà này xây cấp bốn, hai phòng, mái tôn, vật liệu loại rẻ nhất cũng phải 160 triệu. Thầy Nguyên về tính toán lại quỹ tiền lương của nhà trường. Thầy ứng thêm cho thầy Hải trước 15 triệu tiền lương, rồi đến ủy ban huyện xin cho thầy Hải miếng đất để được xây nhà.
"120 triệu anh giúp người ta được hôn?", thầy Nguyên lại gặp phụ huynh. "Phải 140 triệu mới đủ tiền vốn thầy ơi’, phụ huynh trả lời. Thầy Nguyên cảm thấy bất lực, la lớn: "Thôi đi, hoàn cảnh khó khăn vầy, giúp người ta đi. Mình còn trẻ dang tay làm việc thiện đi. Nhà thầy Hải cũng như nhà mình. Mình tích thiện, ra đường mới được gặp người tốt".
Không biết có phải vì phần thưởng "gặp người tốt" hay tại ông hiệu trưởng la to quá, tính toán hai hôm, anh thợ xây gọi điện cho thầy Nguyên: "Nhà đó bây giờ xây 170 triệu còn chưa được. Thầy có tất cả 120 triệu đưa cho tôi, tôi bao vật tư không có lời, coi như xây từ thiện".
Hôm chuyển đồ sang ngôi nhà tường vôi xanh nhạt, mái tôn, bố mẹ thầy Hải không ăn nổi chén cơm, cũng không nói được lời cảm ơn thầy Nguyên cho tới tận bây giờ. Nhà thầy Hải không làm cơm tân gia. Mỗi lần thầy Nguyên ghé thăm, mẹ thầy chặt trái dừa đang bày mời thầy Nguyên uống. Bố mẹ thầy Hải học hết lớp 2 lớp 3, "chữ nghĩa loẹt quẹt nên không giỏi nói". Nhưng thầy Nguyên biết, mình tới nhà, người ta chặt nước dừa cho mình uống là họ thích mình lắm. Ông bà sau đó bàn cách làm ăn mới. Họ mua bưởi, mít, chuối, quýt ở vườn nông dân về bày bán trước căn nhà mới, cộng thêm mảnh ruộng đi mướn để cấy. Thầy Hải dần trả hết khoản nợ của ngân hàng.
Thầy cô trong trường bảo, nếu thầy Nguyên không về làm hiệu trưởng năm năm trước, thầy Hải bị lún nợ, định đi Bình Dương làm thuê. Ai cũng thương vì thầy Hải thiệt thà, tốt bụng. Làm công việc thì rất nhanh, rất giỏi, không bao giờ kêu ca, phụ huynh nào không biết chữ cứ tới gặp, thầy sẽ đọc sổ liên lạc, viết giùm. Nhưng vì lành, nên 40 triệu Đồng thầy ky cóp được định làm nhà bị người ta vay, rồi làm thinh không trả. Cái xe máy, tài sản đắt giá nhất trong túp lều cũng bị lấy cắp. Có lần, thầy sắm đôi dép mới hơn 200 ngàn Đồng đi ăn cưới. Ăn xong, ra thấy người ta xỏ dép mới đi mất, bỏ lại đôi dép cũ, thầy không dám đòi. "Tính cách khờ dữ lắm, không biết như lục bình trôi tới đâu", cô giáo chủ tịch công đoàn nói với chúng tôi.
Hôm qua tôi gọi điện hỏi thăm tình hình hạn mặn và hoạt động của nhà trường, thầy Nguyên kể, thầy Hải hết nợ rồi, không phải đi Bình Dương, "Cuộc sống mà, chăm chỉ thiệt tình thì không ai khó hoài khó mãi. Lòng tốt là có thật cô ơi!".
Chỉ có điều, cuộc sống dường như khó khăn hơn. Người miền Tây đang chịu những ngày khô kiệt. Khi tự nhiên ngày một bất thường, may thay cộng đồng còn những tấm lòng nghĩ tới miền Tây. Vùng đất không chỉ có đặc sản hoa trái, món ăn, những điệu ca cổ, chính tính cách có sao nói vậy, vẻ đẹp của sự chân tình không suy tính giữa người với người là di sản đáng giá của họ. Phù sa đang cạn. Làm sao để những gian nan không làm người miền Tây nhạt đi bản sắc và niềm tin như của thầy Nguyên, thầy Hải, rằng lòng tốt là có thật.
Hồng Phúc