Thử ra "phố ông Đồ" - đường Phạm Ngọc Thạch, TP HCM - ngày Tết mà xem, vô số loại áo dài, từ truyền thống đến cách tân, cách tân đến độ phải giải thích "đây là áo dài". Đường phố trở thành sàn catwalk áo dài dưới sắc rực vàng mai giả. Nhưng vui, Tết mà! Ai cũng muốn có bộ hình kỷ niệm, có điện thoại, tự chụp hình quay phim thỏa thích và chia sẻ cho nhau.
Áo dài - điều bình thường này của Sài Gòn đang trở lại, giống như nhiều chục năm trước, mọi người đều thấy là đương nhiên khi diện áo dài mặc Tết. Tuy còn tùy theo cách nhìn của mỗi người, sẽ còn khen chê, nhưng tôi vẫn mừng khi lịch sử đã chứng minh, trang phục còn là biểu hiện quan trọng mà cha ông ta đã bao lần hy sinh xương máu để chống lại sự đồng hóa, giữ gìn nền văn hóa của mình.
Tôi đã yêu, đã chọn áo dài làm cuộc sống và sự nghiệp của mình vì nhiều lẽ. Với tôi, ngọn nguồn của sự sáng tạo chính là những chất liệu từ cuộc sống đời thường, tìm kiếm các ý tưởng từ kho tàng văn hóa dân tộc và thiên nhiên bình dị.
Áo dài thể hiện rõ nét tính cách người phụ nữ Việt Nam, đẹp một cách tế nhị, kín đáo. Cái đẹp của ngoại hình nhưng cũng cho thấy được cái dịu dàng, ý tứ, phẩm cách bên trong. Có lẽ vì thế, chiếc áo dài là một trong số ít những trang phục truyền thống còn đáp ứng được yêu cầu của một thời đại mới, lại vừa duy trì được bản sắc dân tộc. Áo dài vẫn đầy tính thuyết phục với sự chọn lựa tôn vinh vẻ đẹp của người mặc bên cạnh sự đa dạng phong phú của các loại Âu phục hiện đại đang được cả thế giới chọn lựa.
Hoạt động trong lãnh vực giảng dạy, sáng tác mỹ thuật, doanh nghiệp và là nhà thiết kế với thương hiệu áo dài của mình, tôi đã đưa hội họa vào trang phục áo dài truyền thống và tạo ra các cách tân khác, bởi tôi có tôn chỉ rằng: sống không phải để lại một cái tên, mà để lại một giá trị.
Cái riêng trong cách ăn mặc của người Việt Nam là chất yếu tố nông nghiệp, thể hiện rõ nhất trong chất liệu may. Người Việt tận dụng các chất liệu có nguồn gốc thực vật là sản phẩm của nghề trồng trọt, cũng là những chất liệu may mặc mỏng, nhẹ, thoáng, rất phù hợp với xứ nóng. Cùng với nghề trồng lúa, nghề tằm tang có từ khoảng 5.000 năm thuộc hậu kỳ đồ đá mới ở di chỉ Bàu Tró. Từ tơ tằm, người Việt đã từng dệt nên nhiều loại sản phẩm rất phong phú: tơ, lụa, lượt, là, gấm, vóc, nhiễu, the, đoan, lĩnh, đũi, địa, nái, sồi, thao, vân...
Hiện nay, chất liệu cho áo dài lại càng phong phú với nhiều loại sợi tổng hợp như soie, hysophie, muslin, gấm, thổ cẩm, xô, nhung, vole... Nhưng để tạo một dáng áo với đôi tà bay nhẹ nhàng đẹp nhất vẫn là chất liệu từ loại tơ tằm tự nhiên. Ngay từ trong chất liệu vải may từ thiên nhiên đã chứa đựng những đối lập âm dương của đất trời: Nắng - Mưa, Hạn - Úng, Lửa - Nước, Nóng - Lạnh, Ánh sáng - Bóng tối.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra áo dài của chúng ta hình thành từ thế kỷ 17. Suốt từ thời khẩn hoang đến đầu thế kỷ 19, trang phục chủ yếu của người Việt là áo dài. Đàn ông, đàn bà, cụ già, trẻ em, giới thượng lưu, trung lưu hay bình dân đều mặc. Chỉ khác nhau là giới quý tộc mặc màu sáng, chất liệu lụa và gấm sang trọng. Dân lao động thường chọn vải thô, màu tối.
Áo dài cách tân xuất hiện từ đầu thế kỷ 20, do ảnh hưởng bởi văn hóa Tây phương. Được cải cách với màu sắc tươi vui, kiểu cách gọn gàng, chiếc áo dài bỗng dưng trở thành một trang phục tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ qua vẽ kiểu mẫu của họa sĩ Nguyễn Cát Tường-Le Mur. Chiếc áo bắt đầu mang dáng dấp của thời trang hiện đại, kín đáo, vừa gợi cảm, thể hiện nét đẹp của phụ nữ một cách tinh tế.
Đầu thập niên 50 là thời điểm áo dài không cổ, hở vai thoáng đãng, được bà Trần Lệ Xuân mặc và đã gây xôn xao dư luận. Chỉ thời gian ngắn sau đó, chiếc áo được cải tiến rất nhanh và táo bạo. Không những hở cổ, các bà, các chị còn để trần cánh tay, cổ và tay áo biến tấu với những đường lượn sóng. Làn sóng hippy của nền văn hóa phương Tây và Mỹ lan đến miền Nam Việt Nam từ năm 1968 đã cho ra đời Áo dài Mini, Áo dài Midi tà hẹp, cổ thấp, xẻ eo cao, mặc với quần Âu hoặc quần ống xéo.
Trải qua nhiều thời đại khác nhau, kiểu dáng của chiếc áo dài đã dần thay đổi theo chiều hướng ngày càng mới. Điều mà triết học Âm Dương đưa ra lý luận, sự vật biến hóa luôn phát triển theo chiều hướng mới và theo một quy luật nhất định: "Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông thì trường cửu"
Nhưng cái "biến" để "thông" ở đây, không phải là sự phủ nhận cái đã có và làm ra cái mới hoàn toàn. Nhiều ý tưởng và trường phái khác nhau đã biến tấu áo dài qua các thời kỳ, nhưng vẫn giữ được cái nội lực đạo đức bên trong để làm nền tảng cho vẻ đẹp thẩm mỹ bên ngoài - khi người phụ nữ Việt khoác lên mình bộ áo dài truyền thống. Nội lực ấy phải chăng kết tinh của "đạo trời" đến "đạo người". Chính từ quan niệm Âm Dương với những cặp đối lập, ta có thể dần suy ra những lý giải tại sao áo dài lại có sức thuyết phục mãnh liệt, cũng là để hiểu rõ hơn tính cách và tâm hồn người Việt khi mong ước bộ trang phục này mãi được "trường cửu".
Chiếc áo dài hiện nay với tính vừa dân tộc vừa hiện đại đã khiến cho người phụ nữ khi nhìn từ phía trước hay sau vẫn hết sức kín đáo đoan trang nhưng không kém phần quyến rũ, đặc biệt khi nhìn nghiêng từ bên hông. Chính sự khiêu gợi một cách tế nhị, hở một cách "vòng vo" là tính cách dương ở trong âm, là giá trị đặc biệt của áo dài.
Áo dài xứng đáng được xem như quốc phục của người Việt, ở cả giá trị đạo đức và giá trị thẩm mỹ. Nhưng giữ gìn một trang phục truyền thống không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, điều quan trọng là phải đưa áo dài vào đời sống thực tế lâu dài ở chính thời đại ta đang sống - dù không vì sáng tạo mà xem nhẹ phần nội lực ẩn chứa cả nền văn hóa Việt Nam.
Lê Sĩ Hoàng