Theo Bộ Giao thông Vận tải, trạm thu phí Quốc lộ 5 không phải là BOT. Tuy nhiên, người dân họ không quan tâm nhiều về điều đó. Cái họ quan tâm nhất chính là việc thu phí đó có hợp lý hay không. Nhà đầu tư đã bỏ tiền triển khai dự án, tất nhiên họ phải thu lại, nhưng không có nghĩa muốn thu thế nào cũng được. Chuyện phản ứng thu phí sẽ còn xảy ra nếu các nhà đầu tư và Bộ GTVT vẫn bảo vệ kiểu “thích thu thế nào là thu” ở những trạm thu phí hiện nay.
Cách đây chừng 15 năm, các xã ven sông quê tôi, hay có một cây cầu tre, cầu gỗ do người dân tự làm để làm phương tiện qua lại. Đi bộ được miễn phí, nhưng đi xe máy, xe đạp thì phải đóng tiền cho những người đã bỏ công sức ra làm cầu. Số tiền ấy là 200 đồng một lượt xe đạp và 500 đồng một lượt xe máy.
Mức này được thống nhất sau khi cầu làm xong với sự chứng kiến của chính quyền địa phương, các hộ dân. Tiền thu được sẽ trả chi phí làm cầu, trả công của người làm cầu và để tu bổ cầu khi hư hỏng. Tất nhiên, những người làm cầu cũng kiếm được chút lãi từ số tiền này.
Cho đến khi nhà nước đầu tư làm cầu bê tông, chưa bao giờ tôi thấy xung đột, cãi vã vì phải đóng tiền giữa những người qua cầu và người thu tiền cầu. Trái lại, người đóng tiền và người thu tiền còn thân mật với nhau qua chén trà, chén rượu vào mỗi buổi sáng, mỗi buổi chiều ngay bên cái chòi canh nhỏ nơi đầu cầu.
Có lẽ, giao dịch đóng tiền, thu tiền ở những cây cầu quê tôi được chấp nhận bởi vì nó làm cho cuộc sống tốt hơn. Nó mang lại lợi ích cho từng người dân, từng gia đình. Và quan trọng nhất, là những người liên quan không dùng bất kỳ chiêu trò, hay thủ thuật gì để thu tiền ngoài việc ai qua cầu thì trả phí theo mức được thống nhất.
Cũng là hình thức tương tự cây cầu quê tôi, nhưng ở các trạm thu phí xảy ra phản ứng thời gian qua lại khác, nó thiếu sự sòng phẳng. Vấn đề đó là cái mà bất kỳ giao dịch mua bán, thu trả nào cũng phải có: “thuận mua vừa bán”. Những chủ đầu tư hay Bộ GTVT có thể viện dẫn về giá vé theo quy định của Bộ Tài chính, vị trí đặt trạm do các bộ ngành liên quan thông qua. Nhưng để thuyết phục người dân đóng phí không chỉ có vậy.
Tôi tin, chủ trương BOT là đúng vì có xã hội hóa những hệ thống giao thông được khang trang hơn, phương tiện di chuyển thuận lợi hơn, kinh tế xã hội từ đó cũng khá hơn. Không phải ngẫu nhiên mà BOT được nhiều nước trên thế giới áp dụng.
Nhưng tôi dám chắc, không có văn bản, viện dẫn hay chủ trương nào có thể thuyết phục khi mà việc thu phí ấy không hợp lý, tức là “không ăn bánh mà vẫn trả tiền”, không sử dụng thì không bao giờ người dân chấp nhận đóng tiền. Người dân cần sự rõ ràng, họ cần sự mua bán sòng phẳng - như cách họ bỏ tiền ra mua chiếc xe, đi đăng kiểm và đóng những khoản phí khác. Nó là ‘cơm áo gạo tiền” hàng ngày của họ.
Tại dự án BOT Cai Lậy chủ đầu tư đã có giải trình rõ ràng về việc thu phí 35.000 đồng là 28.000 tiền làm đường tránh, 7.000 tiền nâng cấp mặt đường quốc lộ 1 cũ. Thế nhưng tại sao, ai đi tuyến tránh không đóng 28.000 mà phải đóng 35.000. Tại sao, ai đi quốc lộ 1 cũ đáng ra chỉ đóng 7.000 thì lại đóng 35.000 vẫn chưa được trả lời.
Còn ở quốc lộ 5, câu hỏi tại sao người dân không sử dụng đường vẫn đóng phí cũng chẳng thấy người trong cuộc nào quan tâm. Chừng nào những điều tại sao nhỏ vẫn còn, thì không có một giải pháp nào có thể khiến người dân hài lòng. Bằng cách này hay cách khác, chắc chắn người dân sẽ phản đối tiếp.
Thu phí giao thông thời nào cũng như cây cầu tre, cầu gỗ quê tôi: không sòng phẳng không bao giờ được chấp nhận.
Đào Phan Anh Tuấn