Chị là giảng viên đại học được nhiều người biết đến. Anh là giám đốc một công ty kinh doanh có tiếng tại TP HCM. Công việc của hai vợ chồng khá thuận lợi nên không phải lo lắng về kinh tế. Anh chị cũng ý thức được việc cân bằng giữa công việc và gia đình nên dù bận bịu, cuối tuần họ vẫn sắp xếp thời gian cho nhau. Nhà có hai con, một trai một gái, đều ngoan hiền. Khỏi phải nói, cậu con trai được đầu tư nhiều nhất với hy vọng tiếp bước ba mẹ trong tương lai. Anh luôn cùng chị tham dự tất cả những buổi họp liên quan ở trường con học.
Khi con trai ba tuổi, bằng trực giác, người mẹ đã ngờ ngợ con chậm phát triển nhưng không muốn tin. Thêm vào đó, anh cũng gạt đi, "từ từ, có đứa này đứa khác, đâu có gì chậm". Thế rồi, một phần vì bận bịu, phần vì không chấp nhận ý tưởng con không bình thường, anh chị tự an ủi với hy vọng "rồi lớn nó sẽ khôn".
Cậu bé vào lớp một ở trường chuyên - lớp chọn có tiếng - với kỳ vọng sẽ là một trong những học sinh xuất sắc. Đến giữa năm, trường chuyển bé sang lớp thường vì "không theo kịp các bạn". Chị lo lắng nhiều hơn, anh giận dữ: "Trong lớp, bạn nó, đứa nào cũng học trước chương trình. Con mình chưa học nên chậm hơn là phải rồi". Con họ vẫn lên lớp đều mỗi năm, anh nói: "Thấy chưa, nó chỉ hơi hiền, chứ học vẫn được". Chị ậm ừ vì mỗi lần đề cập đến là xung đột xảy ra dù linh tính người mẹ mách bảo nên cho con đi kiểm tra. Chị bàn với anh, dĩ nhiên là anh phản đối kịch liệt.
Tới năm lớp ba, con họ chưa đánh vần và chưa biết làm toán cộng thuần thục, bắt đầu không thích đi học. Hỏi đến thì cu cậu khóc, im lặng, hỏi cô giáo thì cô nhận xét con hiền, hơi nhút nhát, hơi chậm hơn các bạn cùng lớp nhưng khẳng định bé không bị ai bắt nạt.
Chị lo lắng thật sự, song anh vẫn gạt ngang "tại trường, tại cô, ba mẹ như vầy sao con chậm được". Anh chị nhanh chóng chuyển con sang trường quốc tế, nơi chương trình học mang tính trải nghiệm nhiều hơn, hy vọng con sẽ "bớt khờ". Hiệu trưởng và giáo viên trường cũ cũng không có ý định giữ. Chị bắt đầu tin, anh vẫn giữ nguyên suy nghĩ của mình nhưng hay cáu gắt hơn, giận dữ với con và vợ. Anh bận việc công ty nhiều hơn, những bữa cơm đầy đủ thành viên gia đình thưa dần.
Con học trường mới, có vẻ vui hơn. Nhưng sau một học kỳ, bé tái biểu hiện không thích đi học, ngủ không ngon giấc, thỉnh thoảng nói mê "con không muốn đi học", có ngày vô cớ la hét trong lớp. Một hôm, hiệu trưởng mời ba mẹ tới để nói về tình hình học tập của cháu. Anh cáo bận, không đi. Chị lặng lẽ một mình đến trường, lắng nghe trong im lặng, chấp nhận tất cả yêu cầu từ hiệu trưởng: "con cần được đưa đi kiểm tra". Chị gọi cho anh, anh vẫn giận dữ gạt ngang, không đi cùng. Kết luận của bác sĩ là bé chậm phát triển, khả năng chỉ tương đương một trẻ 6 - 7 tuổi. Dù đã chuẩn bị tâm lý, người mẹ vẫn không kìm được nước mắt.
Cứ vào cuối hè đến giữa học kỳ một của mỗi năm học, rất nhiều học sinh được giáo viên đề nghị đi gặp bác sĩ để kiểm tra năng lực học tập. Những em có giấy xác nhận năng lực trí tuệ chậm hơn so với tuổi sẽ được tiếp tục học nhưng thành tích không tính vào xếp hạng của trường. Và cứ thế, các em dù đến lớp, không hiểu nhiều về bài giảng, vẫn tiếp tục được học hết cấp.
Tôi từng đánh giá nhiều em lớp 5 nhưng chỉ biết đọc vài từ, làm toán cộng hàng đơn vị vẫn phải dùng tay đếm. Trớ trêu là phần lớn các em này được xếp vào hàng học sinh giỏi. Sau này, tỷ lệ học sinh giỏi trong nhóm này có giảm đi, nhưng thay vào đó là danh hiệu học sinh khá.
Phụ huynh thường hỏi tôi cần làm gì tốt nhất cho con, nhưng quyết định sau cùng thường là cho chính bản thân họ. Ba mẹ có thể tạm yên lòng vì con được lên lớp đều đều với danh hiệu học sinh khá giỏi, nhà trường cũng tạm yên vì học sinh nào cũng lên lớp. Còn các em, những đứa trẻ hàng ngày đến lớp ngồi chơi, hết giờ rồi về, để rồi đến hết cấp rất khó tìm một ngôi trường phù hợp.
Điều gì tốt cho trẻ? Hãy chọn con thay vì sĩ diện của mình, cho con quyền được học dở, học đúng khả năng, đừng cố gắng đẩy con lên lớp, cùng phát huy năng khiếu và điểm mạnh của con. Tôi mong các phụ huynh thay đổi suy nghĩ rằng muốn thành công thì phải học giỏi, học hết mọi lớp giống con nhà người ta. Có rất nhiều em thành người, thành đạt nhưng chưa từng là học sinh giỏi. Họ thành công vì được phát huy điểm mạnh của mình, vì được sống hạnh phúc với lựa chọn của bản thân, với điểm tựa gia đình.
Messi, Ronaldo chỉ có sức học trung bình khi còn nhỏ, nhưng thành danh vì được người thân ủng hộ theo đuổi nghiệp bóng đá. Edison bị cho ngừng học nữa chừng, nhờ mẹ dạy và đặt trọn niềm tin, đã trở thành nhà sáng chế vĩ đại.
Nói chuyện với tôi, người mẹ lấy lại chút hy vọng và thần thái, nhưng vẫn lặp đi lặp lại hai từ "phải chi...". Chị bắt đầu một câu chuyện khác, không phải chủ đề con đi học. Đứa trẻ bên cạnh mẹ cũng mỉm cười. Trước khi rời phòng khám, chị nắm vai tôi lắc mạnh: "Nói thật với chị đi, có trễ lắm không em?". Tôi bảo: "Chưa bao giờ là trễ".
Phạm Minh Triết