Năm 16 tuổi, tôi nắn nót ghi vào tờ phiếu thăm dò ý kiến khách hàng do Tổng Công ty Điện lực phát ra. Ba tuần sau, chúng tôi nhận được điện thoại mời ra bộ phận điện lực của phường để giải quyết khiếu nại.
Đó là vào năm 1993, gia đình tôi gồm bốn người vui mừng chuyển tới một căn hộ ở khu tập thể Trung Tự, Hà Nội. Chúng tôi nhiều lần đề đạt việc ký hợp đồng điện mới vì chủ cũ đã chuyển đi nhưng hơn nửa năm không được giải quyết. Nhận được phiếu thăm dò ý kiến của Tổng công ty Điện lực, nhiều hộ hàng xóm vứt vào thùng rác. Còn tôi, theo ủy quyền của mẹ, ghi rõ: "Đề nghị giải quyết ngay việc trì hoãn ký hợp đồng điện với gia đình chúng tôi". Hai cán bộ điện lực phường tròn mắt khi thấy một cô bé dáng vẻ học trò đàng hoàng ra làm việc.
Sau đó, chúng tôi lại gặp khó khăn trong việc chuyển tên trên hợp đồng thuê nhà. Căn hộ đó của nhà nước, bố tôi được một suất "phân nhà", phải trả tiền thuê cho đến khi có Nghị định 61 về hóa giá nhà. Tháng nào cũng có một cô nhân viên sở nhà đất đến thu tiền. Nhưng sau nhiều lần đề nghị với cán bộ sở nhà đất để được đứng tên trên hợp đồng nhưng bất thành, cả nhà chọn phương án từ chối trả tiền thuê. "Không có giấy tờ thể hiện chúng tôi đang thuê nhà nên chị không có cơ sở pháp lý để thu tiền của chúng tôi", mẹ cương quyết. Câu nói tưởng rơi vào quên lãng nhưng chưa đầy một tháng sau, khi chúng tôi đang quây quần bên mâm cơm, cô cán bộ nhà đất bất ngờ bấm chuông với bản hợp đồng trên tay. "Nhà mình nói hợp tình hợp lý nên em kiến nghị cấp trên sớm giải quyết không kẻo nhà nước thất thu", cô giãi bày.
Bố mẹ thường giao cho tôi nhiệm vụ đi giao dịch ở phường khi gia đình có công chuyện. Mỗi khi "ra phường", tôi thường ăn vận chỉn chu, chào hỏi người bảo vệ rồi đọc kỹ các hướng dẫn dán la liệt ở cổng. Có lần thấy phó chủ tịch phường "bận" đi hái quả muỗm ở sân sau, tôi nhắc khéo với anh cán bộ tư pháp "chắc lãnh đạo bận họp nên bà con đợi đông quá". Lời nói có tác dụng. Chỉ năm phút sau, việc đóng dấu được thực hiện - không chỉ cho tôi mà cho toàn bộ bà con đang nhẫn nại ngồi chờ.
Ra phường làm việc nhiều, tôi để ý đa phần mọi người chưa thực sự hiểu rõ trách nhiệm của ủy ban cấp phường, xã trong công tác chứng thực cũng như bị nhầm lẫn giữa hoạt động công chứng và hoạt động chứng thực. Có cán bộ lợi dụng sự thiếu hiểu biết này để gây khó khăn bằng cách can thiệp sâu vào nội dung văn bản, hợp đồng và giao dịch. Nhưng việc khiến người dân nản nhất vẫn là các vấn đề liên quan tới lĩnh vực tư pháp như xác nhận độc thân, đổi tên khai sinh, chuyển đổi hộ khẩu...
Vào tháng 9, công dân Thanh Hồng ở Quận Thủ Đức, TP HCM kêu cứu lên tận Văn phòng Chính phủ vì bị phường "hành" khi đi đổi tên cho con gái do trùng tên với người bác mất lúc năm tuổi. Cán bộ phường yêu cầu anh phải cung cấp giấy báo tử và chụp ảnh bàn thờ. Những cung cách làm việc "cười ra nước mắt" này không phải là hiếm khi tiếp cận mục Phản ánh kiến nghị của Cổng dịch vụ công quốc gia vừa khai trương ngày 9/12.
Chính phủ điện tử được kỳ vọng sẽ nâng cao đáng kể chất lượng dịch vụ công và góp phần giảm tệ nạn nhũng nhiễu, "hành" dân. Thống kê cho thấy, với khoảng hơn 60 % dân số đã tiếp cận Internet, Việt Nam hiện đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng mạng toàn cầu. Tuy nhiên, nền móng của chính phủ điện tử vẫn ở mức sơ khai. Theo đánh giá năm 2018 của Liên hợp quốc, Việt Nam xếp hạng 88 trên thế giới và thứ 6 ở khu vực ASEAN về chỉ số phát triển chính phủ điện tử.
Vùng Đông nam Á được xếp hạng "nghiện Internet" nhất thế giới. Philippines, Thái Lan, Indonesia và Malaysia lọt top đầu về số giờ trung bình người dân online, từ 8 đến 10 tiếng mỗi ngày. Thời gian người Việt tham gia các hoạt động liên quan tới mạng Internet là 6,42 giờ mỗi ngày, tương đương với mức trung bình của thế giới. Những số liệu như vậy dễ ru ngủ, tạo cảm giác xã hội Việt Nam đã sẵn sàng cho việc triển khai chính phủ điện tử ở diện rộng. Nhưng mọi việc không đơn giản như vậy. Chính phủ cũng thừa nhận tình trạng cát cứ thông tin, bế quan số liệu của các cơ quan nhà nước khiến việc liên thông dữ liệu gặp nhiều trở ngại.
Quốc gia hiện đứng đầu thế giới về chỉ số tham gia điện tử là Hàn Quốc. Chính phủ nước này không chỉ chú trọng số hóa các dịch vụ công mà còn đảm bảo mức độ sâu rộng của thông tin do chính phủ cung cấp, đảm bảo người dân được tham vấn với cán bộ công quyền qua môi trường mạng. Và đặc biệt, họ tạo điều kiện để dân được can dự vào quá trình ra quyết định.
Bên cạnh đó, khoảng 64 % dân số Việt Nam hiện sống ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Khu vực này cần được tiếp cận Internet với chi phí họ có thể chi trả được bởi một trong những điều kiện để phát triển chính phủ điện tử là đảm bảo hơn 80 % dân số có tiếp cận Internet.
Chính phủ điện tử một mặt thúc đẩy các công chức phải nâng cao trình độ nhưng cũng đặt ra yêu cầu mỗi người dân phải tự trang bị cho mình các kỹ năng để tận dụng các dịch vụ số. Nhiều người có thể thành thạo bấm "like", thả tim và bình luận nhưng lại ngại ứng xử như một công dân điện tử trước đại diện chính quyền. Tôi từng bị vây vòng trong vòng ngoài ở phòng quản lý xuất nhập cảnh vì khá nhiều người không biết điền tờ khai trên mạng. Dù rất kiên nhẫn nhưng tới người thứ năm thì tôi đành lịch sự từ chối khai hộ bởi không thể nán lại lâu hơn.
Chính phủ điện tử chắc chắn là động lực giúp người dân gạt bỏ tâm lý ngại, sợ hoặc xin xỏ khi tiếp cận các dịch vụ hành chính công. Nhưng sự lạc quan về "năm đột phá cải cách hành chính" hoặc "áp dụng thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 vào quản trị công" sẽ chỉ thoát khỏi tính khẩu hiệu khi thực sự lấy người dân làm trọng tâm phục vụ chứ không phải là cái cớ để tạo ra những đề án tốn kém ngân sách.
Cẩm Hà