Tình đoàn kết này là điều mà chúng tôi hình như ngày càng thiếu tại châu Âu, nơi mà không ít quốc gia phải đối mặt với bất ổn chính trị hay thậm chí phong trào ly khai trong khi tương lai của Liên Minh châu Âu trông ngày càng bấp bênh. Bản thân tôi đã sinh ra tại Nam Tư, một Cộng hòa liên bang đã sụp đổ và tan rã thành sáu quốc gia độc lập sau nội chiến đẫm máu vào thập niên 90.
Theo tôi, tình đoàn kết là một trong những thành tựu lớn của Việt Nam, một đất nước hơn chín mươi triệu dân đã duy trì ổn định về mặt chính trị và xã hội bất chấp một quá khứ đầy biến động và những chiến tranh khốc liệt.
Khi người nước ngoài được hỏi ý kiến về Việt Nam, họ thường có xu hướng chỉ trỏ tật này sai trái kia mà ít khi tập trung vào cái tốt đẹp. Dĩ nhiên, một người ngoài cuộc có thể đưa cho ta một góc nhìn quý giá, một quan điểm khách quan hơn về một vấn đề, chẳng hạn bằng việc so sánh với những quốc gia phát triển hơn. Đây là một cách tốt để một dân tộc soi gương và xem xét mình lại, và cố gắng đối mặt với những khuyết điểm. Tuy nhiên, chúng ta không nên quên rằng bên cạnh những thói hư tật xấu của dân tộc, bên cạnh những vấn đề và mâu thuẫn xã hội, người Việt cũng có nhiều phẩm chất tốt đẹp.
Trong bài trước, tôi đã bàn thái độ tôn sùng nước ngoài và mê Tây vô căn cứ của người Việt. Còn trong bài này, tôi muốn viết về những tính chất của người Việt mà chúng tôi, người phương Tây, có thể ngưỡng mộ và học hỏi.
Thật vậy, mỗi khi tôi đi dạo ở một nơi công cộng như bờ Hồ hay công viên chẳng hạn, tôi có thể cảm nhận được không khí nhộn nhịp và tinh thần cộng đồng của người Việt. Chủ nghĩa tập thể là di sản của những triết học phương Đông nói chung và Nho giáo nói riêng trong nhiều nước châu Á. Theo cách nhìn nhận đó, một người luôn coi mình ràng buộc và kết nối với các mối quan hệ xã hội và coi trọng tập thể hơn là cá nhân. Cái tôi thường phải hy sinh hay nhường bước cho lợi ích chung của cộng đồng.
Trong khi đó, nhiều quốc gia phương Tây theo chủ nghĩa cá nhân và coi trọng, đánh giá cao cái tự do và hạnh phúc cá nhân. Dĩ nhiên, điều này đem lại vô vàn lợi ích, giúp ta phát huy các tài năng của mình và xây dựng hạnh phúc cá nhân theo ý chính mình. Tuy vậy, theo quan điểm của tôi, chủ nghĩa cá nhân, nếu được đẩy mạnh quá xa, có nguy cơ chuyển hóa con người thành những cá thể vô cảm sống tách biệt với xã hội và có thể làm lung lay tế bào của xã hội: gia đình.
Gia đình hòa thuận là nền tảng của một xã hội thanh bình, và trong gia đình Việt Nam mọi thành viên quan tâm đến nhau, chăm lo cho nhau, phụ thuộc vào nhau. ''Bạn không nhớ gia đình chứ?'' là điều mà nhiều người hỏi tôi với vẻ ngạc nhiên khi được biết rằng tôi sống ở nước ngoài tám năm rồi và đã rời quê và tổ ấm gia đình cách đây mười ba năm.
Bố đã luôn dặn tôi: tới tuổi trưởng thành, con cái được tự do và cha mẹ hết trách nhiệm. Và nhờ thế, tôi đã luôn có khả năng tự đưa ra các quyết định quan trọng trong đời, đi du lịch một mình ở khắp thế giới, tự tìm con đường trưởng thành và hưởng sự tự do... Thế nhưng không phải ai cũng biết tận dụng sự tự do này đúng cách và con cái trong nhiều gia đình Tây không ngại chống đối, cãi vã cha mẹ, tỏ ra bất hiếu.
Ở Việt Nam, tôi hay bàn chủ đề gia đình với các học sinh và theo tôi, con cái Việt rất phụng dưỡng và biết ơn cha mẹ, luôn luôn sẵn sàng nghe lời và hy sinh tiện nghi cá nhân cho sự hòa thuận gia đình mặc dù, theo những gì tôi nhìn thấy, cha mẹ Việt có khuynh hướng đối xử với con cái khá khắt khe.
Song song với lòng hiếu thảo, người Việt thờ kính tổ tiên và kính trọng người lớn tuổi. Tất cả mọi người trong gia đình có bổn phận chăm sóc cho ông bà cho đến cuối cùng, và đưa ông bà vào viện dưỡng lão là chuyện gần như không tưởng. Đây là một quan điểm khác với phương Tây, nơi mà nhiều gia đình không ngần ngại gửi ông bà vào trung tâm dưỡng lão (mặc dù thật lòng mà nói, nếu so sánh với Việt Nam, các viện dưỡng lão bên phương Tây đẹp, sạch sẽ, thanh bình hơn nhiều).
Người Việt còn nhiều tính chất mà tôi ngưỡng mộ. Ví dụ, trong mắt tôi, người Việt có một tinh thần tích cực và lạc quan, biết yêu đời và giữ niềm tin vào cuộc sống bất luận họ gặp khó khăn gì trong đời sống. Dù hoàn cảnh nghèo khó, túng thiếu, gian nan đến đâu, người Việt biết giữ lòng nhiệt tình và giữ nụ cười trên mặt, không để suy sụp tinh thần, không mất đi niềm vui giản dị. Họ có thể chịu đựng một cách kiên cường, họ ''sở hữu một sức đề kháng đáng kinh ngạc'', Paul Giran viết trong Tâm lý người An Nam. ''Dưới một khí hậu khắc nghiệt [...] họ chứng tỏ mình có những phẩm chất lớn lao về sự kiên trì''.
Ở thái cực khác, nền văn hóa của chúng tôi hay có xu hướng gọi đó là an phận, tức là một thái độ không thực sự tốt vì con người luôn luôn phải phấn đấu để thay đổi số phận và hoàn thiện hoàn cảnh. Cho nên chúng tôi thích nghi ngờ, xem xét lại tình hình, phê phán chính quyền và nắm vai trò chủ động trong việc xây dựng tương lai của mình. Và theo tôi, đây là một thái độ hữu ích mà cả người Việt cần nghĩ tới.
Tuy nhiên, phải nói rằng cũng có không ít người bên phương Tây lạm dụng tập quán này và có khuynh hướng nghiêm trọng hóa, chỉ trích thái quá, kêu ca về đủ thứ, tỏ ra bất mãn và khó chịu. Không chỉ vậy, cơn phẫn nộ có thể khiến họ hung hăng. Kể cả bản thân tôi, tôi công nhận mình dễ mất bình tĩnh khi tham gia giao thông ở Việt Nam, dễ bị mất lòng vì điều vặt này, gã lái ẩu kia. Tôi khâm phục khả năng của người Việt giữ sự điềm tĩnh trước sự hỗn loạn, sự ồn ào ở khắc mọi nơi, trước sự khó đoán của cuộc sống ở Việt Nam. Tứ Thư, tác phẩm kinh điển của Nho giáo, cũng bảo ta: ''tâm yên tĩnh rồi lòng mới ổn định''.
Nói tóm lại, tình đoàn kết, tinh thần cộng đồng, tình cảm gắn bó gia đình và sự nhiệt tình, điềm tĩnh là những phẩm chất tốt đẹp của người Việt mà theo tôi, người nước ngoài có thể học hỏi noi theo.
Tuy nhiên, trong quá trình hiện đại hóa, sự phân hóa giàu nghèo và những chênh lệch xã hội ở Việt Nam có chiều hướng gia tăng và đang ảnh hưởng đến tính cách và các giá trị truyền thống của dân tộc. Do áp lực đến từ mọi phía, người Việt có xu hướng căng thẳng lên, dễ mất bình tĩnh hơn, dễ giận hơn trước những diễn biến trong đời sống. Tôi mong rằng người Việt sẽ tìm sức để gìn giữ những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc mình trong biển động của toàn cầu hóa.
Marko Nikolic
(Nguyên tác tiếng Việt)