"Mọi người thắp nhang xong rồi chụp tấm hình kỷ niệm nha. Nghệ sĩ, danh hài cải lương đi viếng rất đông, mọi người ơi...", nam thanh niên tiếp tục, miệng nói, tay "zoom" chiếc điện thoại về phía đoàn người đi viếng.
"Livestream mệt nhưng vui cả nhà ạ", một cô gái đưa tay quệt mồ hôi, mắt kiểm tra kênh của mình trên màn hình điện thoại, rồi đảo mắt láo liên để tìm một góc quay mới trong nhà tang lễ.
"Chú, cái này là quay lên mạng hả?", giọng một người đàn bà lớn tuổi xì xào. - "Livetream đấy, suốt 2- 3 tiếng đồng hồ", nam thanh niên đang tường thuật đám tang trả lời. - "Rồi có được tiền không, chú?" - Anh ấy làm giống như "Khá Bảnh" mà, giọng một người khác xen vào, "Giờ chưa có tiền ngay đâu". - "Quay này mai mốt nhà mạng nó trả tiền mình hay sao?", chị lớn tuổi lại hỏi, - "Đúng rồi, mai mốt nó mới trả" thanh niên mắt xem bình luận trên điện thoại, tay vẫn giơ điện thoại về phía di ảnh của nghệ sĩ quá cố.
Đây chỉ là một vài đoạn trò chuyện ở lễ tang của nghệ sĩ Anh Vũ hôm 11/4 tại chùa Ấn Quang, quận 10, TP HCM. Khung cảnh tang lễ nhốn nháo. Trong tiếng nhạc, lời tụng kinh sầu thảm và nét mặt buồn đau của người thân, bạn bè cố nghệ sĩ là những khuôn mặt hăm hở của những "youtuber" bịt khẩu trang, hoặc đeo kính đen, hoặc đội nón, hai tay lăm lăm những chiếc điện thoại, khi lên cao lúc đưa xuống thấp để ghi lại khung cảnh tang lễ. Mọi diễn biến đều được phát trực tiếp trên youtube, kể cả cảnh dòng người hâm mộ tranh giành nhau thắp nhang. Thậm chí, vào những giây phút cuối trong lễ hạ huyệt cố nghệ sĩ, có những youtuber còn trèo cả lên những nấm mộ xung quanh, cố chen lấn để tìm góc quay quan tài, miệng nói cười rôm rả.
Cũng chưa đầy hai tuần trước, trong buổi xét xử vụ ly hôn vợ chồng ông chủ Trung Nguyên tại Toà án TP HCM, phóng viên chúng tôi cũng chạm mặt hàng chục youtuber. Người đứng, kẻ ngồi thành hàng giữa phòng xử, có người còn chĩa thẳng điện thoại sát mặt ông Vũ, bà Thảo để livestream và hỏi những câu hỏi rất riêng tư. Thấy quá phản cảm, luật sư Trương Trọng Nghĩa đứng dậy, xin phép toà "yêu cầu các phóng viên về đúng vị trí tác nghiệp". Oan cho chúng tôi, "những phóng viên" mà luật sư và các thẩm phán vừa nhắc không phải các nhà báo. Họ là nhóm người đang làm một nghề mới, qua các hạ tầng như youtube, mạng xã hội.
Ba năm trước, trong lần tác nghiệp tại tang lễ "sầu nữ" cải lương Út Bạch Lan, khi smartphone và trào lưu kiếm tiền từ mạng xã hội còn chưa phổ biến, tôi còn thấy dòng người đến viếng thành kính biết bao. Ngày an táng nữ nghệ sĩ, hàng nghìn khán giả đội mưa, trật tự và im lặng xếp hai hàng trước cổng chùa. Người khóc, người chắp tay cầu khấn, trên tay cầm những nhành hoa lan tưởng nhớ nghệ sĩ tài danh của Sài Gòn.
Bây giờ, cảnh tượng tang lễ hoàn toàn đối lập, khi ai cũng có thể dễ dàng trở thành một youtuber chỉ với chiếc smartphone được kết nối mạng kèm theo một chân máy giá chỉ vài chục ngàn đồng và một kênh phát video do người dùng tự tạo. Cơ chế tính tiền bằng lượt xem là một trong nguyên nhân khiến người ta đua nhau làm nội dung "câu view" bằng những câu chuyện sốc, độc và lạ, thương đau càng tốt.
Càng nhiều lượt xem, kênh càng có nhiều người theo dõi, đăng ký và chủ kênh được trả tiền càng cao. Đó là lý do rất nhiều người sắm đồ nghệ, lùng sục hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn để tạo ra nền công nghiệp livestream: không cần đạo lý, miễn gây chú ý. Đồng nghiệp làm báo của tôi cũng đang lo lắng, rằng "đến thời phóng viên phải chen chân với Youtuber, thật giả, tốt xấu lẫn lộn". Nhưng điều đáng nói hơn, là trào lưu này sẽ sinh ra một thế hệ khán giả giải khuây bằng sự bất hạnh của người khác.
Đâu đó trong các bộ luật, những hành vi liên quan đến "thuần phong mỹ tục" được quy định. Nhưng chúng chỉ được thực thi một cách khá ngẫu hứng, với những nghệ sĩ tự bước vào cửa công để xin cấp phép cho tác phẩm, chứ nhà chức trách ngành văn hóa chưa đủ chủ động đi lọc ra cái mà họ quy ước.
Khung cảnh bát nháo của cảnh livestream trong đám tang nghệ sĩ, tố cáo một thực trạng: trong lĩnh vực này, thưởng phạt đang không công bình. Chỉ mới có cơ chế "thưởng" bằng tiền cho những người kiếm được nhiều lượt xem, chưa có đủ cơ chế "phạt" - dù là bằng pháp luật hay là bằng chính sự lên án và quay lưng của cộng đồng cho những nội dung bất nhân, bất nghĩa. Tiếng gọi đồng tiền đang là duy nhất, và người ta sẽ làm tất cả theo tiếng gọi ấy.
Ngoài ra, giáo dục có phải là nguyên nhân? Bà tôi kể, ngày xưa giáo dục rất coi trọng việc dạy đạo đức làm người, đặc biệt là ở những nơi công cộng. Cụ thể, học trò được dạy lễ phép ở mọi nơi, như nếu gặp xe tang thì phải dừng xe lại, bỏ nón, cúi đầu thành kính, đợi tới khi xe đi qua mới được đi tiếp. Gặp người lớn cúi đầu chào, gặp em nhỏ thì giúp đỡ... Trong rất nhiều năm trước, mọi người ở Sài Gòn đều coi điều đó là bình thường nơi công cộng. Giờ đây, mọi thứ trở nên bát nháo vì giáo dục cả nhà trường và gia đình đều đang không coi trọng môn đạo đức.
Khi nghĩa tử ngang nhiên bị chà đạp ở quy mô "hàng triệu lượt", đó là một vấn đề cần xem xét ở quy mô xã hội.
Thành Nguyễn