Khi biết trường sẽ đóng cửa ba tuần thay vì chỉ một tuần như kế hoạch, tâm lý con tôi rất vững vàng. Cậu vạch ra nhiều kế hoạch học tập và nghỉ ngơi. Nhưng cứ từng ngày, tin tức về dịch bệnh càng hoành hành ở châu Âu và Mỹ khiến cậu bắt đầu hoang mang, đặc biệt là việc các bạn lần lượt bay về Việt Nam. "Bố mẹ các bạn nói, về nước dù bị nhiễm bệnh cũng an toàn hơn ở lại. Mình ở nước ngoài không bao giờ được chăm sóc tốt như người bản xứ đâu", cháu nói. Tôi đáp lời con qua điện thoại: "Con đang khỏe mạnh. Đó là điều quan trọng nhất lúc này. Mẹ không nghĩ mọi sự xáo trộn sẽ tốt".
Thực ra, kể từ khi dịch bắt đầu lan rộng, tôi chưa bao giờ có ý giục cháu về nhà. Bản năng người mẹ nói với tôi rằng, nơi nào con có một mái nhà, có một cái giường để ngủ, có thực phẩm thì nơi đó là hầm trú ẩn an toàn nhất trong tình thế khủng hoảng. Myriam, bà chủ nhà 70 tuổi nơi con tôi đang ở trọ khuyên các em học sinh hãy bình tĩnh. Bà vẫn cặm cụi ngày nấu ba bữa cơm, giữ nhịp sống bình thường nhất có thể.
Giống như nhiều nơi khác, chính phủ Canada cho rằng lúc này "ở yên là phụng sự đất nước". Trường học khi đóng cửa cũng dặn dò học sinh không nên đi lại vào kỳ nghỉ. Tuần trước, cũng là thời điểm rộ lên các chuyến bay quốc tế về Việt Nam có bệnh nhân nhiễm nCoV, tôi càng thêm lý do tin rằng việc đi lại là không cần thiết. Song cậu bé vẫn khẩn khoản: "Mẹ suy nghĩ thêm một đêm được không? Sáng mai hãy quyết định".
Tôi tham khảo thêm bạn bè và người thân. Có ba người đón con trở về. Hai trường hợp các con không cần ở lại vì việc học đã gần hoàn thành, chỉ còn một chứng chỉ học online, hơn nữa ký túc xá đã đóng cửa. Một cháu khác đi học ngắn hạn ở Đức, chương trình kết thúc sớm và yêu cầu các học sinh quốc tế về ngay lập tức. Ba người bạn khác có con ở lại châu Âu và Bắc Mỹ với cùng chung nhận thức nếu các con thực hiện cách biệt cộng đồng tốt thì rủi ro sẽ rất thấp hoặc gần như không có. Cũng tối hôm đó, tôi đọc báo biết tin chuyến bay từ Toronto về Việt Nam có người nhiễm bệnh, trên chuyến bay có một người bạn của con.
Sáng hôm sau, tôi dậy sớm nói chuyện với con. Đó không phải là cuộc trao đổi dễ dàng. Dù con đã đồng tình ở lại, lòng tôi không khỏi chùng xuống khi tiếng cậu vang lên từ điện thoại: "Nhưng giá như được ở gần mọi người lúc này vẫn yên tâm hơn".
Di cư luôn là một phần của cuộc sống. Liên Hợp Quốc cho biết, có 3,5 % dân số thế giới - hơn 272 triệu người di cư năm 2019. Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính hiện có khoảng 400 ngàn lao động Việt Nam đang làm việc ở hơn 40 nước. Chính phủ các nước đang gọi công dân của họ từ khắp nơi trở về, tránh rủi ro không đáng có nơi đất khách. Nhưng trong niềm tin của tôi, ở thời khắc khó khăn, lựa chọn nơi chốn mà mỗi người cảm thấy an toàn nhất là quyết định của mỗi cá nhân, dựa trên hoàn cảnh và điều kiện riêng. Nơi nào họ coi là nhà, có những người thân yêu đang mong ngóng, nơi đó họ luôn có quyền trở về và có quyền thuộc về.
Mẹ tôi hay kể, khi mới 9 tuổi, mẹ xa nhà theo học Trường học sinh Miền Nam ở Hải Phòng. Mỗi khi ông Ngoại xuống thăm, mẹ tôi mừng rỡ, ca hát líu lo. Khi ông về, mẹ nức nở, cứ lẵng nhẵng bám theo cả quãng đường dài. Cho tới khi bị ông mắng, mẹ tôi đành đứng nấp vào cột điện, vừa khóc vừa dõi theo bóng ông xa dần.
Khi cuộc chiến tranh Iraq nổ ra vào tháng 3 năm 2003, tôi phụ trách mục "Tiếng nói từ Baghdad" trên một tờ báo. Nhiệm vụ của tôi là mỗi ngày, bằng đường dây điện thoại, nối liên lạc từ Hà Nội đến Baghdad để có được những cuộc trò chuyện với dân thường Iraq. Đôi khi giữa các cuộc phỏng vấn, tôi nghe rõ tiếng còi báo động và máy bay ầm ì. Có những cuộc trò chuyện đứt đoạn nửa chừng vì nhân vật vội vã chạy xuống hầm trú ẩn. Trong số nhiều câu chuyện, tôi ấn tượng nhất với sinh hoạt và tâm trạng của gia đình bác sĩ Yuzbaki: "Mấy hôm nay, đại gia đình tôi mười mấy người đã về quây quần trong căn nhà ở Baghdad. Chúng tôi nghĩ cận kề nhau sẽ che chắn và bảo vệ lũ trẻ tốt hơn".
Việt Nam chính thức bước vào thời khắc quyết định. Dù tình thế hiện nay không phải là một cuộc chiến bom rơi đạn nổ nhưng đã và đang tác động sâu sắc tới sinh kế và nhân sinh quan của mỗi người. Bạn đã bao giờ tự hỏi vì sao khi đi máy bay, ta luôn được hướng dẫn phải đeo mặt nạ dưỡng khí cho mình trước khi đeo cho người khác nếu gặp sự cố. Nó truyền tải một triết lý sống giản đơn, rằng mỗi người trước hết phải có trách nhiệm đối với bản thân mình. Nếu bạn có con như tôi thì bên cạnh việc tạo điều kiện cũng cần rèn luyện để các con có thể tự lo cho mình. Với những người xung quanh cũng vậy. Yêu thương không có nghĩa là sống thay, nghĩ hộ. Hãy để những kinh nghiệm, suy xét qua thời khắc khó khăn trở thành trải nghiệm đáng quý cho sự trưởng thành của mỗi chúng ta.
Ưu tiên hàng đầu hiện nay của từng thành viên trong xã hội là giữ gìn sức khỏe của chính mình, tôn trọng luật lệ chung và tránh làm ảnh hưởng tới cộng đồng. Sống "giúp" người khác, hoặc tệ hơn là chỉ trích các cá nhân, đào khoét các vấn đề tiêu cực sẽ khiến chúng ta thêm rối loạn và chia rẽ. Covid -19 không phải là cuộc khủng hoảng diện rộng đầu tiên và duy nhất của loài người. Và bài học lịch sử sau mọi cuộc chiến thường không phải con số thương vong của bên thắng hay thua, mà là quốc gia đó, xã hội đó sẽ mạnh lên hay suy yếu, tiếp tục bước lên phía trước theo cách nào.
Cẩm Hà