Tôi gia nhập BMW tại Việt Nam từ năm 1994, sau khi tốt nghiệp khoa Cơ Khí ôtô trường Đại Học Giao Thông Vận Tải. Ngày đó BMW được lắp ráp tại liên doanh Ôtô Hoà Bình VMC cùng với Mazda và Kia trên một dây chuyền hiện đại nhất Việt Nam.
Liên doanh VMC nằm phía bên này đường. Phía bên kia đường là nhà máy Ôtô Hoà Bình cũ, phần không liên doanh với nước ngoài, đóng các loại xe buýt trên dây chuyền thủ công.
Sau cuộc họp kỹ thuật và phê bình của sếp Tây ngày ấy, anh trưởng phòng tự ái chỉ tôi và bảo: "Nhiệm vụ thế hệ các cậu phải có một dây chuyền sản xuất ôtô xịn mà không phải liên doanh, không phải làm thuê cho nước ngoài đấy nhé". Câu nhắn nhủ của anh đeo đuổi tôi trong suốt cả một hành trình dài làm trong ngành công nghiệp ôtô, xe máy sau này.
Từ năm 1985, giây phút chiếc xe Proton Saga thế hệ đầu tiên rời băng chuyền sản xuất, Thủ tướng Malaysia, ngài Mahathir Mohamad đã ca ngợi đây là "biểu tượng cho sự đáng được tôn trọng của người dân Malaysia". Proton, hãng xe quốc doanh Malaysia, được cho là động lực chính của quá trình công nghiệp hóa khi đó nhằm hiện đại hoá nền kinh tế vốn phụ thuộc rất lớn vào nông nghiệp của Malaysia.
Năm 2018 ngay sau khi đắc cử lại vào vị trí thủ tướng, ông Mahathir đã kêu gọi một dự án sản xuất ôtô quốc gia mới, khi giờ đây hãng xe Proton đã không còn là hãng xe quốc gia nữa, do bị Geely của Trung Quốc thâu tóm 49,9% cổ phần. Giấc mơ về một hãng ôtô quốc gia do người Malaysia sở hữu vẫn chưa bao giờ nguôi trong tâm trí ngài Thủ tướng.
Ông Mahathir được coi là người đỡ đầu cho ngành công nghiệp ôtô Malaysia và không ngạc nhiên khi trong chuyến thăm ngắn đến Việt Nam từ ngày 26-28/8/2019, mặc dù lịch làm việc dày đặc, Thủ tướng Malaysia vẫn tranh thủ thăm nơi tạo ra thương hiệu xe ôtô đầu tiên của Việt Nam và đi thử chiếc VinFast Lux SA 2.0.
Trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam tham gia ở khâu trung nguồn, cấu trúc thương mại của Việt Nam cho thấy tỷ lệ nhập khẩu hàng hoá trung gian lớn, biểu hiện sự tham gia mạnh về phía sau hơn về phía trước. Nhờ mô hình nhập khẩu để xuất khẩu, Việt Nam đã có tăng trưởng liên tục trong suốt thập kỷ vừa qua.
Nhưng mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu lại đang được dẫn dắt bởi các công ty đa quốc gia, vì thế Việt Nam sẽ đối mặt rủi ro nếu các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam rời đi vì dịch chuyển của thị trường lao động hay thị trường hàng hoá. Chính vì vậy Việt Nam cần nhanh chóng nâng cấp trở thành điểm quản trị toàn bộ chuỗi, chứ không đơn thuần chỉ tham gia một vài khâu trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thăm Việt Nam lần này Thủ tướng Mahathir đã chọn 2 lĩnh vực tiêu biểu đang rất phát triển của Việt Nam là công nghệ thông tin của FPT và công nghiệp ôtô với Vinfast để tìm hiểu.
Đối với FPT, từ nhiều năm trước họ đã ý thức được cần làm những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị phần mềm như tư vấn, thiết kế, phân tích giải pháp, thay vì chỉ làm những công đoạn đơn giản như lập trình, kiểm thử, bảo trì. Chuỗi giá trị phần mềm có nhiều công đoạn, từ thấp đến cao, nếu chỉ làm ở những công đoạn thấp như lập trình, kiểm thử, công đoạn mà rất nhiều công ty làm được hay trong tương lai máy móc có thể thay thế được thì doanh nghiệp khó có thể tồn tại. Hiện nay FPT Software đang cung cấp những sản phẩm tiêu biểu của cách mạng công nghiệp 4.0 cho nhiều khách hàng lớn trên thế giới.
Với VinFast, hãng xe Việt đã tập trung được trí tuệ của thế giới bao gồm các nhà thiết kế nổi tiếng như Pininfarina, các tên tuổi khác như Magna, Bosch, Siemens... để tạo ra sản phẩm cho người Việt, hướng tới việc quản trị toàn bộ chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp ôtô. Bước xuống từ chiếc Lux SA 2.0, ngài Thủ tướng thốt lên: "Chiếc xe thiết kế đẹp, khoẻ, chạy êm như xe điện, tôi tiếc rằng quãng đường ngắn nên chỉ tăng tốc lên đến 100km/h".
Tôi tin rằng đây không phải câu khen xã giao vì ngài Thủ tướng Malaysia là người rất sành về xe, ông đã từng chở Tổng thống Indonesia chạy với tốc độ 180 km/h trên xe Proton.
Gần đây tôi quay trở lại thăm anh trưởng phòng cũ. Anh đã về hưu được vài năm, anh em tôi trò chuyện về chủ đề xưa, tôi thú thật với anh rằng lúc đó tôi thật sự không hiểu lắm câu nói của anh mà chỉ mường tượng đến lúc nào anh em có thể đóng mấy cái xe buýt, mà thời đó gọi là xe ca, trên cái dây chuyền như BMW thôi.
Anh cười, liên hệ hình ảnh của VinFast tại Cát Hải với khu xưởng của Ôtô Hoà Bình ở khu Khương Đình xưa. "Khó mà tưởng tượng ra được. Chắc rằng không chỉ có tớ và cậu nghĩ chúng ta phải có thương hiệu xe của riêng mình".
Chúng ta nên vui vì bạn bè quốc tế bắt đầu nhìn Việt Nam với một con mắt khác, thay vì nhìn Việt Nam thuần tuý là một nước nổi tiếng về xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hay thủ công mỹ nghệ. Việt Nam đang dịch chuyển mạnh mẽ về công nghiệp mà VinFast hay FPT như những điểm sáng.
Thay vì chỉ tham gia ở khâu trung nguồn, Việt Nam đang hướng đến là điểm quản trị cho cả chuỗi giá trị toàn cầu. Và đó nên là tâm niệm của toàn bộ nền kinh tế, chứ không chỉ có vài cái tên trong bài viết này.
Phạm Vũ Tùng