"Cô có muốn ngay ngày mai mất việc không? Các anh chị là ai mà dám phá hoại nền kinh tế quốc gia? Nếu không xóa bài báo và đăng công khai xin lỗi hàng nghìn cán bộ của chúng tôi thì cô và ban biên tập của cô đừng có trách, nhá... cạch", tiếng cúp máy.
Tôi leo lên tầng, vào phòng phát hành cầm lên số báo mới nhất. Chưa kịp mở ra đọc xem phóng viên đã viết gì, số điện thoại một phó thống đốc ngân hàng nhà nước gọi tới. Vị này cho biết chủ tịch ngân hàng quốc doanh lớn kia (người mới gọi cho tôi) đang rất giận dữ vì một bài trên báo chúng tôi vừa in đã cho rằng chất lượng tài sản của ngân hàng lớn này đang có vấn đề. Theo bài báo, giá cổ phiếu trên thị trường đang quá cao so với sức khỏe thật của nhà băng, kèm theo số liệu minh chứng.
Ông chủ tịch ngân hàng quốc doanh cho rằng bài báo là "sự xúc phạm lớn" với toàn thể nhà băng và cả chính phủ - cổ đông chi phối đang nắm hơn 95% tỷ lệ sở hữu cổ phần trong ngân hàng quốc doanh này. Theo ý ông, tác giả có ý định hãm hại giá cổ phiếu đang "bay lên" trong lời khen ngợi của giới đầu tư chứng khoán.
Cũng trong buổi sáng đó, tôi không kịp ăn uống, cầm cuốn sổ chạy tới ngân hàng kia, ngồi nghe và ghi kín hàng chục trang về thông số và các yêu cầu do một phó tổng giám đốc giảng giải. Ông trình bày trơn tru trong hơn 2 tiếng, nhưng sự thật thì có cái gì đó gờn gợn trong lòng tôi.
"Tình hình tài chính thế này mà anh bảo là tốt á?"- cuối cùng tôi cũng thốt ra. Tôi cho anh thấy các khuyến cáo về chất lượng tài sản và chất lượng nợ tại ngân hàng được trích dẫn từ báo cáo tài chính do một tổ chức kiểm toán độc lập thuộc "Big Four" (nhóm 4 công ty kiểm toán uy tín nhất toàn cầu) thực hiện. Đó không phải là suy diễn của phóng viên. Tôi đồng thời gửi cho họ bản báo cáo tài chính thường niên được công khai trên chính website của ngân hàng theo quy định. Người tiếp chuyện nhìn tôi ái ngại.
Ngân hàng đã gửi đơn khiếu nại đi hàng chục cơ quan, giọng văn căng thẳng, yêu cầu làm rõ "âm mưu phá hoại doanh nghiệp và nền kinh tế", đưa tác giả ra tòa. Chúng tôi mất vài tháng để giải trình với các bên, chạy đi chạy lại giữa đại diện ngân hàng, luật sư để chứng minh rằng nhà báo làm đúng luật. Bài báo tất nhiên không bị xóa và cũng không có chuyện đính chính xin lỗi công khai toàn bộ nhân viên như vị sếp kia muốn.
Người phó tổng giám đốc sau đó bị chuyển việc. "Ở đây, nhiều người bị gọi lên phòng chủ tịch đã để sẵn vali ngoài cửa, bởi rất có thể câu cuối là không làm được thì biến", anh kể lại.
Những ngày đó, phóng viên tài chính hối hả chạy khắp muôn nơi và ghi chép. Các chỉ tiêu của nền kinh tế, màu xanh hay đỏ trên bảng yết của thị trường chứng khoán thay đổi liên tục sau những ngồn ngộn thông tin về liên kết dọc, liên kết ngang, sở hữu chéo, nợ xấu, lạm phát, tỷ giá... và hàng chục tin đồn râm ram về ông chủ này, bắt bớ nọ. Làm sạch các ngân hàng quốc doanh là chủ đề lớn trong nhiều cuộc trà dư tửu hậu.
Những ngày đó, ông chủ tịch ngân hàng vẫn xuất hiện trước đám đông với thái độ ông đã dành cho tôi. "Tôi đố anh nói lại lần nữa", ông chỉ tay vào mặt cán bộ khi bàn về số liệu cuối năm. Ông hất hàm "Sao mày ngu thế?" với một nữ trưởng ban trong một sự kiện của ngành. Và nước mắt rơi trên mặt cô. Tôi sẽ nhớ mãi cái không khí đặc quánh ụp xuống căn phòng, ái ngại mà không biết ngại cho ai.
Gần chục năm sau, vị chủ tịch thét ra lửa kia phải nghỉ hưu sớm sau một vài lần bị kiểm điểm và khiển trách vì sai sót trong quản lý điều hành. Ngân hàng phải tái cơ cấu toàn diện ngay khi ông ra đi. Con trai, con gái, con dâu và rể, cháu ông đang ngồi ghế trưởng khắp các phòng ban và các công ty trực thuộc nhà băng lớn này cũng bị thuyên chuyển.
Chúng ta từng biết có những vị cầm đầu doanh nghiệp nhà nước được ví như ông vua con, đi đâu cũng kéo theo đoàn tùy tùng hoành tráng và được cung phụng. Vì thế mới có chuyện công chúng từng sốc khi phóng viên của hãng thông tấn nước ngoài đưa nguyên si đoạn băng ghi âm phỏng vấn qua điện thoại với một tổng giám đốc công ty nhà nước lên mạng vì vị này đã cao giọng "bởi vì tôi thích thế" khi được hỏi tại sao doanh nghiệp không làm thế này thế kia. Ông không ngờ rằng thói quen giao tiếp ở doanh nghiệp "của nhà" đã làm tên tuổi ông tưng bừng trên trường quốc tế.
Vì sao có những vị lãnh đạo doanh nghiệp của dân lại tung hoành đến thế? Tôi gặp nhiều người từng thốt ra câu hỏi này. Và cũng nhiều người từng tự lý giải. Lý do nhận được nhiều đồng tình nhất là, cơ chế quản lý kinh tế quốc doanh và giám sát quản trị doanh nghiệp còn nhiều lỗ hổng. Hệ thống quy phạm pháp luật về giám sát hành vi, đạo đức, tuân thủ quy trình và hệ thống quản trị rủi ro khu vực công còn khiếm khuyết.
Tôi đọc đâu đó rằng một thiết chế hoàn hảo thường không sinh ra những "anh hùng" bởi vì cơ chế ấy đủ liêm chính và công bằng khiến ai cũng có thể và đã, đang là ngôi sao theo cách họ muốn trong tổ chức. Một xã hội không có anh hùng đem đến thái độ tích cực cho công dân bởi họ được an ủi - vì mình không giỏi, mình sai, mình hèn, mình đôi khi vị kỷ, vô nghĩa và phi lý, nhưng sẽ tuân thủ điều đúng.
Ở đâu có những anh hùng dễ dàng nổi lên, thao túng được số đông (có thể vì họ thực tài, có người vì cơ hội và được ai đó ban trao) đều dễ dàng tạo ra sự lạm dụng quyền lực. Những sinh vật kiêu ngạo và ngốc nghếch bỗng được tôn sùng.
Sự phi lý nào cũng có lý của nó. Không phải tự nhiên xuất hiện những ông trời con, không phải tự nhiên quyền lực bị méo mó đi. Một sản phẩm lỗi chắc chắn phải có một mắt xích nào đó lệch chuẩn.
Thiết chế xã hội, với nền tảng cơ bản nhất là hệ thống luật pháp với sự bao phủ chi tiết ở nhiều tầng nấc, các quy tắc bất thành văn của tổ chức, cộng đồng, hay kể cả những chỉ đạo theo tình huống của người đứng đầu, chính là chìa khóa. Trong một thiết chế đủ công minh, những anh hùng dù có công trạng thật trong các doanh nghiệp quốc doanh, khi ấy sẽ bình đẳng với những người bình thường. Không ai tôn sùng ai, vì tất cả đều chỉ tôn sùng cái đúng.
Hồng Phúc