Cô làm tôi nhớ lại cụm từ đã thành kinh điển, dùng lại chữ của đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến khi ông phát biểu về những hành động tranh thủ của một số quan chức vơ vét quyền lợi trước khi nghỉ hưu. Ông Tiến là người đầu tiên dùng từ "hoàng hôn nhiệm kỳ" hay "chuyến tàu vét cuối cùng" tại Quốc hội.
Trong phiên chất vấn sáng 17/11/2015 tại Quốc hội, ông cho rằng, "hoàng hôn nhiệm kỳ" hay "chuyến tàu vét cuối cùng" biểu hiện ở nhiều góc độ: ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm, đề bạt cán bộ một cách vội vã, tuyển người hàng loạt; ký vội, phê duyệt vội những dự án lớn mà không thể triển khai ngay ở nhiệm kỳ này; hoặc tranh thủ vơ vét nhiều tài sản công, đất công, nhà công; hay phê duyệt dễ dãi các chuyến đi "nghiên cứu, học tập" ở nước ngoài bằng ngân sách, trong đó phần lớn thời gian là đi du lịch.
Hồi ấy, chúng tôi, những nhà báo làm việc tại Hà Nội, đã hớn hở túm ngay lấy cụm từ ông nói, gắn vào nhiều cái "tít" ngày hôm đó. Trong cả kỳ họp Quốc hội hàng tháng trời, với nhiều nội dung đã bị nhàm chán với công chúng, cụm từ độc đáo của đại biểu Tiến là một thành quả nho nhỏ những phóng viên theo dõi Nghị trường muốn đưa tới công chúng.
Nhắc câu chuyện ấy, vào những ngày này, mười người, chắc mẩm chín người rưỡi sẽ nói về cáo buộc hối lộ triệu đô trước khi nghỉ hưu của cựu Bộ trưởng bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son liên quan tới vụ án AVG. Là một nhà báo, những việc không mấy hay ho như vậy với tôi và đồng nghiệp không phải một vài, dù nó luôn ấn tượng với công luận. Nhưng tôi thầm nhủ, liệu mình có thể nghĩ khác đi không?
Và khi mông lung ngẫm ngợi, tôi bỗng nhớ lại một cuộc nghỉ hưu cũng rất ồn ào, cũng vào tháng 9, cách nay đã hai năm. Bác sỹ Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương Nguyễn Anh Trí về nghỉ hưu trong vòng tay thân ái và nước mắt tiếc nuối của đồng nghiệp và bệnh nhân. Một ngày sau khi trở thành nhân vật chính mà có báo gọi là "buổi chia tay cảm động có một không hai trong lịch sử ngành y", bác sĩ Trí nói: "Mình là người lao động, đúng tuổi thì nghỉ hưu".
Câu chuyện đẹp đó, khi đặt vào bối cảnh những gì đang ồn ào về giai đoạn hoàng hôn nhiệm kỳ của một số lãnh đạo khiến người lạc quan có lẽ cũng thở dài ngao ngán. Những "đoàn tàu vét" đi trong bóng đổ của "hoàng hôn nhiệm kỳ" trở thành ám ảnh.
Không phải đợi tới khi cuộc đấu tranh chống tham nhũng được đẩy mạnh trong thời gian qua dân chúng mới nghe tin một bộ trưởng nhận hối lộ hơn 3 triệu USD để thúc đẩy một thương vụ "hoàn tất trong những ngày cuối của nhiệm kỳ", một ông tương đương bộ trưởng ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn trước khi nghỉ hưu. Những hành vi lót ổ, bố trí phe cánh kế cận, chuẩn bị sẵn vị trí hội nghề nghiệp,... nằm trong hàng trăm cách để kéo dài quyền lực và quyền lợi sau khi nghỉ hưu. Chúng được gấp rút chuẩn bị khi các vị quan bước vào đoạn cuối của nhiệm kỳ.
Năm cuối ở nhiệm kỳ nào cũng vậy, mọi hoạt động kinh tế, chính trị đều có những thay đổi rõ rệt. Sự thay đổi, tất nhiên không vì một vài vị trí lãnh đạo sắp nghỉ hưu. Nhưng guồng máy kinh tế, xã hội thực tế đã phải vận động theo một quy luật rất kỳ dị là xoay vần theo "tư duy nhiệm kỳ". Ai về? Ai lên? Tân quan tân chính sách. Và một nền hành chính "đánh quả" thay vì "phục vụ" trở thành đặc trưng của bộ máy khiến niềm tin của công chúng càng chật vật.
Tôi không xác định được chính xác từ bao giờ trong xã hội Việt Nam, những công bộc biến thành phụ mẫu. Cơ chế vận hành phi quy luật kết hợp với quyền lực khiến những người trong bộ máy, ở bất cứ vị trí nào cũng có cơ hội để giành giật, đánh quả. Cả một xã hội đứt gãy về đạo đức công vụ ít nhiều đều lấy tôn chỉ "không tiền thì cạp đất mà ăn" làm thước ngắm.
"Hồi xưa, nghe vài trăm triệu đồng đã kinh hồn, giờ hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ... Nội vấn đề đất đai nó chỉ cần quặt quẹo trên quy hoạch, cấp phép lòng vòng một chút, khi phát hiện ra thì đã mất hàng trăm tỷ đồng rồi". Trớ trêu thay, đây là câu nói của vị "tương đương bộ trưởng" đề cập ở trên, vào năm 2005, khi ông còn tại vị.
Tham nhũng đã trở thành căn bệnh nan y. Điều này vốn dĩ từ người cao nhất trong bộ máy nhà nước cho tới dân thường, từ người đang cuốc nương ở một bản miền núi xa xôi đến chị bán trà đá vỉa hè Hà Nội đều biết. Nhưng khi xử lý tham nhũng, thì "vẫn là những người đã về hưu là chính" và công cụ chính để ngăn ngừa tham nhũng vẫn lại nhờ vào "sự giữ mình của mỗi cán bộ, cá nhân". Thật là một công việc vô vàn gian khó.
Bước ra khỏi đổ nát hoang tàn của chiến tranh, bộ mặt xã hội Việt Nam hiện nay quả thực đã rất nhiều đổi khác. Đời sống vật chất đã được nâng cao, nhưng niềm tin của đại bộ phận dân chúng thì lại vợi đi quá nhiều. Góp phần không nhỏ vào công cuộc đánh cắp niềm tin đó, chắc chắn là những chuyến tàu hoàng hôn vơ vét, tranh thủ quyền lực của nhiều bậc "phụ mẫu" trước khi rời nhiệm sở.
Công khai minh bạch và tăng cường các điều luật nhằm kiểm soát quyền lực; mở rộng hơn nữa sự tham gia của các phương pháp giám sát độc lập không phải là đề xuất mới nhưng cần thiết, thay vì chúng ta tiếp tục trông đợi vào "nhận thức và tự nhận thức" của mỗi cá nhân.
Dường như đất nước lại sắp bước vào một buổi chiều như thế của nhiệm kỳ. Chỉ khi mà mọi quy trình được công khai minh bạch thực sự dưới sự giám sát của công chúng thì chúng ta mới có nền hành chính phục vụ chứ không phải một nền hành chính quan liêu, ai nấy nhăm nhe vơ vét cho những chuyến tàu chiều.
Lại Trọng Tình