"Một thông tin mới mà tôi tin là bà quan tâm", thư kể, "vào ngày 25 tháng 11 năm 2019, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã nước chúng tôi đã đệ trình danh sách thứ hai của các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho Trung Quốc. Và chính phủ Trung Quốc hứa sẽ hoàn tất quy trình đăng ký để nhập khẩu gạo Thái Lan càng sớm càng tốt".
Anh tiếp, gạo xuất khẩu từ Thái Lan đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc. Chính phủ Thái Lan trước đây đã đệ trình lô hàng đầu tiên cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét dựa trên chất lượng sản phẩm và tiêu chuẩn an toàn của họ. Và 49 nhà xuất khẩu lớn và nhỏ của Thái Lan đã được chấp thuận. Việc Trung Quốc đang xem xét đợt nhập khẩu gạo Thái thứ hai lần này là một dấu hiệu tích cực, có thể mở đường cho một triệu tấn gạo chất lượng cao tiếp theo, mang về ước tính 27 tỷ Bath cho nước Thái.
Quan trọng hơn, Hải quan Trung Quốc còn hứa sẽ đưa ra các thỏa thuận mới có lợi hơn nữa cho nông sản cả hai nước sớm nhất. Cả hai bên thống nhất sau gạo sẽ là trái cây, thịt heo đông lạnh, gia súc sống và yến sào. Hai bên cũng thảo luận về khả năng xuất khẩu trái cây thông qua trạm kiểm soát ngay trên biên giới Đông Hưng vừa mở. Cửa khẩu này sẽ giúp các nhà xuất khẩu Thái Lan vận chuyển thuận tiện sản phẩm của mình bằng đường bộ. Trạm kiểm soát này chỉ nằm cách chợ nông sản Móng Cái Việt Nam có 150 mét.
Bạn tôi cho rằng, khi xuất khẩu tăng lên, mối đe dọa về chất lượng và chứng nhận tiêu chuẩn sai cũng tăng, việc mở rộng ứng dụng công nghệ Blockchain sẽ giúp các bên yên tâm về tính xác thực của chuỗi cung ứng.
Đọc thư của anh, tôi nhận thấy luồng gió mới giao thương biên mậu giữa Trung Quốc và Thái Lan vừa được thiết lập, hay tái lập, nhưng hoàn toàn khác với cách Việt Nam đang làm ở hai điểm. Thứ nhất, sản phẩm xuất khẩu phải là hàng hữu cơ hoặc chất lượng cao, có ứng dụng công nghệ để đảm bảo. Thứ hai, bản thân chính phủ Thái đang trực tiếp thúc đẩy quan hệ thương mại, kiểm tra và cam kết về chất lượng sản phẩm và cũng trực tiếp hỗ trợ mọi thủ tục cho doanh nghiệp.
Từ thông tin "nóng" này, tôi truy tìm thông tin liên quan trên một chuyên san về kỹ thuật số của Thái. Văn phòng Chiến lược và Chính sách Thương mại Thái Lan tuyên bố rằng họ sẽ sử dụng công nghệ Blockchain để truy xuất nguồn gốc sản xuất vào việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, bắt đầu từ gạo hữu cơ, sau đó, nếu thành công, sẽ mở rộng ra các nông sản khác.
"Thái Lan sử dụng công nghệ Blockchain để theo dõi gạo hữu cơ" là dự án sẽ bắt đầu vào giữa năm 2020 nhằm tạo niềm tin cho nhà nhập khẩu.
Văn phòng này cũng cho biết đang đẩy nhanh các cuộc thảo luận với các chuyên gia, cơ quan liên quan và tổ chức tài chính để tăng tốc phát triển hệ thống Blockchain. Họ cũng đã nói chuyện với nông dân và mời khoảng 5.000 người trồng lúa từ tỉnh Surin tham gia vào dự án này.
Blockchain, với sự ưu việt của nó, sẽ có thể theo dõi quá trình từ canh tác, bao gồm camera được lắp đặt trên các cánh đồng lúa để kiểm tra từ nơi nó được trồng, luôn theo dõi xác thực xem liệu gạo đó thực sự là hữu cơ hay không. Toàn bộ quy trình sản xuất, đóng gói cũng được giám sát chặt chẽ để giúp người mua có thể kiểm tra nguồn gốc gạo hữu cơ. Nếu phát hiện ra rằng gạo đó không "hữu cơ", họ có thể từ chối.
Theo Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái, dự án Blockchain được thực hiện "vào thời điểm quan trọng hơn lúc nào hết". Hệ thống này sẽ giúp tạo niềm tin cho gạo hữu cơ Thái Lan, giảm tình trạng từ chối của người mua, giảm nạn pha trộn sản phẩm, làm tăng sức mạnh mặc cả và tăng thêm giá trị cho sản phẩm, cũng như tạo cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tóm lại, dù tạm bị đội Việt Nam dẫn 1-0 trong cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới" mới đây khi chúng ta đoạt giải nhất với ST25 của nhà lai tạo giống nổi tiếng Hồ Quang Cua, Thái Lan vẫn vững chãi trên đường đua của gạo.
Các giải pháp của Thái: đẩy mạnh xuất khẩu gạo hữu cơ, ứng dụng công nghệ để đảm bảo độ tin cậy trong truy xuất nguồn gốc, giữ phong độ của chất lượng sản phẩm. Quan trọng hơn, chính phủ Thái vẫn miệt mài thúc đẩy xuất khẩu nông sản chất lượng cao đến hữu cơ khi thị trường khổng lồ Trung Quốc nay chỉ ưu tiên nhập khẩu nông sản chất lượng cao, ổn định và đảm bảo truy xuất nguồn gốc.
Còn chúng ta thì sao? Kết quả xuất khẩu gạo nhiều năm không có gì lạc quan và bị sa sút nặng năm 2018 báo hiệu ngày tàn của kiểu cạnh tranh bằng sản lượng và "giá bèo". Giải "Gạo ngon nhất thế giới" nên được coi là một tiếng chuông thức tỉnh Bộ Nông nghiệp phải chuyển hướng chiến lược gạo quốc gia theo xu thế tiêu thụ gạo của thế giới: trọng chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc. Đường đi sẽ vô vàn khó nhưng đã không còn chỗ lui.
Vũ Kim Hạnh