Câu trả lời tất nhiên là không. Não người có giới hạn về xử lý thông tin. Như tôi bây giờ, có hơn 1.000 "friend" trên Facebook, là đã rất hạn chế, vẫn thỉnh thoảng nhầm người này với người khác, thỉnh thoảng nhảy vào hỏi một cô con đã 2 tuổi, rằng em lấy chồng chưa.
Em lấy chồng lâu rồi, sinh cháu rồi mà anh, cô bạn kia mỉm cười và lượng thứ. Vì ở thời đại của chúng ta, cùng với hàng núi thông tin và quan hệ qua giao thức Internet, hầu hết đều có thể rơi vào tình trạng quá tải truyền thông. "Communication overload" - tên tiếng Anh của hội chứng này, giờ là một thuật ngữ rất phổ biến. Trong chuyện bạn bè, nhiều nhà khoa học khẳng định rằng não chúng ta chỉ duy trì được 150 mối quan hệ bền vững thôi.
Nếu chúng ta đã quá tải truyền thông, thỉnh thoảng nhầm cả tình trạng kết hôn của bạn cũ, không có lý gì bạn lại có trách nhiệm phải lưu tâm mọi vấn đề xã hội mà mình bắt gặp. Sự quan tâm của bạn sẽ được phân bổ theo tình huống.
Thế nhưng chuyện nghiêm trọng là chúng ta, trong tư cách của một thực thể gọi là "dư luận", là có vai trò rất lớn trong việc theo dõi và giám sát xã hội. Nếu dư luận mà tuyên bố rằng tôi không hơi đâu giám sát hết, vì hôm nay tôi đọc quá nhiều báo, lướt quá nhiều facebook rồi, não tôi mệt rồi, thì phải chăng xã hội sẽ lâm nguy?
Đúng là xã hội lâm nguy thật nếu chỉ trông chờ vào dư luận. Các "làn sóng dư luận" hiện nay chỉ giải quyết được một số rất ít vấn đề, vài ba ngày lại có một sự kiện, một vụ tiêu cực được nhặt ra ngẫu nhiên để dư luận bình bàn trên mạng xã hội. Bạn không biết được mình đã bỏ qua những chuyện nghiêm trọng thế nào.
Tháng 10/2018, tôi giao 2 phóng viên khảo sát dấu hiệu sai phạm của 60 công ty có vốn nhà nước qua Internet. Không nói điêu: thời đại này, bạn có thể tìm thấy sai phạm của các công ty nhà nước ngay trên mạng, chứ chưa cần đến thanh tra xông vào trụ sở. Và chúng nhiều vô kể. Cuộc khảo sát sau đó kéo dài tới tận 2 tuần, chúng tôi tìm ra nhiều dấu hiệu sai phạm lớn nhỏ của các công ty có vốn nhà nước.
Trong biên bản mà tôi nhận lại, có những sai phạm phải cất công tìm kiếm trong các cổng thông tin. Có những sai phạm đã được nêu ra trên báo chí từ vài năm trước. Có những dấu hiệu sai phạm đã được tổng hợp lại và nêu trong báo cáo ở kỳ họp Quốc hội. Cái này tất nhiên đã được đọc công khai và tường thuật trực tiếp trên TV, nhưng chắc là nhiều bạn chưa có thời gian xem.
Và trong số đó, có những cái tên mà sang năm nay, đã bị khởi tố và bắt giữ. Một đại án kinh tế nghiêm trọng chuẩn bị hình thành.
Có hai điều tôi rút ra sau cuộc khảo sát đó. Thứ nhất, ngày nay với một đường truyền Internet, bạn có thể tiếp cận dữ liệu về những vấn đề hệ trọng của xã hội. Chỉ cần bàn phím, ta có thể tìm thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật của nhiều đối tượng. Chúng nằm ngay trên mạng.
Nhưng vấn đề thứ hai, là bạn có thể đã lướt qua những chuyện nghiêm trọng mà không hề để ý. Hoặc bạn có thể để ý, rùng mình ngay lúc đọc được, nhưng rồi lại quên mất. Việc thừa thãi thông tin sẽ tạo ra sự nghèo nàn của chú ý.
Các học giả từ lâu đã đồng ý rằng sức chú ý là một loại tài nguyên. Xã hội chỉ có bấy nhiêu. Có cả một lĩnh vực nghiên cứu gọi là "attention economy" - kinh tế sức chú ý. Câu hỏi là làm thế nào để khai thác hiệu quả nhất sức chú ý của xã hội khi nó chỉ có bấy nhiêu, tổng không thay đổi trong khi hàng hóa và thông tin ngày càng nhiều lên.
Nhưng các nhà kinh tế vẫn chủ yếu nghiên cứu về sức chú ý để ứng dụng lên bộ môn tiếp thị. Ngay cả khi bạn đã quá tải truyền thông, những nhà marketing bậc thầy sẽ vẫn có cách khiến bạn chú ý đến nhãn kem đánh răng hoặc mì ăn liền mới.
Còn công cuộc phản biện xã hội, sự chú ý đến các vấn đề chính trị, kinh tế vĩ mô hay tham nhũng, thì vẫn tùy tâm. Bạn không để ý, tôi cũng không để ý, rốt cục chẳng có "dư luận" nào được hình thành cho đến khi người ta bắt một ông giám đốc.
Đó là một nghịch lý. Trong thời đại Internet, giám sát xã hội trở nên thuận tiện. Nhưng cũng vì thời đại Internet, việc thực thi quyền giám sát lại mang nhiều thách thức.
Sức chú ý là một loại tài nguyên có tổng không đổi trong dân số. Hotgirl, hoa hậu và phim truyền hình đẫm lệ ngày càng nhiều lên, chúng ta sẽ làm gì với các vấn đề hệ trọng?
Đầu tiên, việc nhìn nhận giới hạn của bộ não quan trọng với chính mỗi người. Chúng ta cần học cách sử dụng sức chú ý của mình giống với các tài nguyên khác, như là thể lực, tiền bạc. Bạn không nên đọc mọi thứ, nghe mọi thứ và thậm chí là bình bàn về mọi thứ rơi vào màn hình. Điều này sẽ chỉ khiến sự quan tâm của bạn đến mọi thứ nghèo đi. Bạn phải biết cách đóng bớt cửa sổ trình duyệt lại, như biết dừng cuộc nhậu vì lo cho sức khỏe.
Thứ hai, quan trọng hơn, một nhà nước đang thúc đẩy dân chủ và chống tham nhũng, cần quan tâm đến sức chú ý của người dân. Hãy nhìn lên website của nhiều tổ chức công. Ở đó cái gì cũng to tát bằng nhau.
Từ nghị quyết, nghị định, hội thảo, hoạt động chuyên ngành,... nhiều trang đăng tải thông tin như thể là tối nay sau khi đánh vật với bài tập vẽ của con và xem hết một tập Về nhà đi con kèm năm chục cái quảng cáo xong, tôi sẽ ngồi đó và nghiền ngẫm thông tin về "Hội nghị xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư" nào đó đầy tâm đắc. Tin kiểu này thường được đăng tải lộng lẫy trên trang chủ của nhiều tổ chức trọng yếu. Tôi sẽ gật gù, đưa máy tính bảng cho cả vợ xem, và cùng bàn luận về hội nghị này.
Vấn đề đã nói nhiều lần: ở website của tổng cục du lịch Thái Lan thì chỉ có quảng cáo đẹp mĩ mãn về du lịch. 100% mặt trang là ảnh phong cảnh chụp cầu kỳ. Ở website của Tổng cục du lịch Việt Nam thì 8 cái ảnh đầu tiên hiện ra hết 5 cái là ảnh hội thảo, không tinh tế sẽ tưởng mình lạc vào website bán áo sơ mi. Đó là chưa bàn đến hình thức diễn đạt, rất ít thay đổi kể từ thời chưa có Internet.
Các cơ quan công rất cần có một chiến lược quản trị và khai thác sự chú ý của người dân đến các vấn đề của đất nước, thay vì dùng các kênh mình có chủ yếu để đăng tin hội nghị, tin lễ tân. Ngay lúc này, sức chú ý đã trở thành một loại tài nguyên khan hiếm, các nhà tiếp thị khu vực tư nhân đang giành giật từng chút một.
Tuần này, công an bắt một ông giám đốc. Đó là kiểu tin tức dễ gây chú ý nhất khi bàn đến các vấn đề vĩ mô. Nhưng sẽ có rất nhiều công dân có trách nhiệm, không bao giờ có cơ hội để hiểu và kịp hiểu các vấn đề đằng sau, những gì đã làm nên sự kiện đó. Dư luận chỉ biết đến những lỗ thủng lớn sau khi bắt một ông giám đốc.
Sự kiện bắt ông giám đốc rồi sẽ qua đi, và website của cơ quan chủ quản sẽ quay trở lại bận bịu với tin hội thảo. Trong thời đại khan hiếm sự chú ý, dường như có những hệ thống thông tin được thiết kế để... không ai quan tâm, cho đến khi có ai đó đi tù.
Đức Hoàng