Anh chọn nhầm ly axit để uống và được xác định bị bỏng vùng họng, miệng. Nhà tổ chức chương trình cho biết, Tấn Phát không gặp vấn đề gì nghiêm trọng về sức khỏe. Nhưng có một thực tế nghiêm trọng đã xảy ra trên sân khấu - hóa chất nguy hiểm được sử dụng một cách tùy tiện mà không có biện pháp gì nhằm giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra với những người tham gia. Đó cũng là một thực tế ở Việt Nam - hóa chất không được kiểm soát chặt chẽ.
Vì vậy, ở nước ta, nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra, như lạm dụng hóa chất để đánh ghen (người ta có thể mua hàng lít axit sulfuric đặc - loại axit cực mạnh - và tạt vào mặt nạn nhân để hả cơn ghen), hay những tai nạn cháy nổ khi sử dụng cồn (một hóa chất được dùng phổ biến)…
Tại các quốc gia phát triển, hóa chất nguy hiểm không phải là mặt hàng bán tự do ngoài thị trường và không được phép sử dụng tùy tiện, nhất là nơi công cộng, bởi nó có khả năng gây nguy hiểm tới sức khỏe cho những người sử dụng, gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường. Axit nằm trong số đó. Ngay trong các phòng thí nghiệm, người ta cũng phải kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hóa chất, từ cách thức lưu trữ, đổ bỏ, hủy bỏ... nhằm giảm thiểu những rủi ro cho sức khỏe và môi trường. Thậm chí bất kỳ ai dùng hóa chất đều phải trải qua một khóa học về an toàn.
Năm 2013, Khoa Công nghệ, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) xảy ra một vụ nổ hóa chất thí nghiệm khiến một nửa trường - nằm quanh Khoa Công nghệ (Faculty of Engineering) - phải di tản do khói độc tạo ra từ vụ nổ, hai lính cứu hỏa, hai nhân viên an ninh phải nhập viện. Singapore vốn là nơi kiểm soát rất chặt việc sử dụng hóa chất, vì thế giám đốc phòng thí nghiệm ngay lập tức bị cách chức, giáo sư chủ trì ngành buộc phải từ chức. Sau đó, NUS yêu cầu toàn bộ nhà nghiên cứu của Khoa Công nghệ phải kiểm tra lại an toàn phòng thí nghiệm, tăng mức độ nghiêm khắc trong các khóa học về an toàn hóa chất và an toàn phòng thí nghiệm.
Nhưng ở Việt Nam, thực tế dường như diễn ra ngược lại: mua bán, sử dụng hóa chất, kể cả những hóa chất nguy hiểm như axit lại quá dễ dàng, trong khi quá ít người hiểu được những rủi ro và cách kiểm soát, giảm thiểu những rủi ro đó.
Trở lại với màn ảo thuật của Tấn Phát trên "Vietnam’s Got Talent". Tiết mục của Tấn Phát dùng axit và thí sinh này cũng luôn cảnh báo đây là việc làm rất nguy hiểm, khán giả không nên thử tại nhà. Tuy nhiên, chính thí sinh lại không có kiến thức sơ đẳng về kiểm soát rủi ro khi sử dụng hóa chất: Anh này rót các cốc axit trên sân khấu mà không mang khẩu trang chặn hơi axit, mang bao tay không phải loại dành để ngăn axit, Huy Tuấn và diễn viên trợ giúp đứng xung quanh hoàn toàn không có đồ bảo hộ… Khi uống nhầm axit, anh này nhanh miệng nhổ ra, rồi uống các ly nước khác. Cách xử lý này có thể khiến cho axit theo nước trôi vào trong, gây nguy hiểm cho dạ dày, đường tiêu hóa… Lẽ ra anh cần súc miệng liên tục với nước sạch nhằm pha loãng lượng hóa chất bám trong miệng thay vì uống ly nước khác vào bụng.
Nhiều người cho rằng, sự cố của Tấn Phát chỉ là một chuyện nhỏ, một tai nạn nghề nghiệp mà bất cứ ai cũng có thể mắc phải. Tuy nhiên, chuyện liên quan đến việc sử dụng hóa chất nguy hiểm, nên nó đặt ra nhiều vấn đề lớn hơn thế, không chỉ cho Tấn Phát, nhà tổ chức chương trình mà còn cho cả các cơ quan quản lý ở Việt Nam.
Ngô Đức Thế