Em là bé gái 12 tuổi, bán vé số không hết nên bị mẹ dùng xăng đốt trong cơn giận dữ. Em nhập viện với tình trạng bỏng toàn thân, toàn bộ một bên mặt, hai tay và hai chân. Giai đoạn đầu, vì phần lớn diện tích da bị bỏng nên em bị nhiễm trùng máu rất nặng, phải nằm cách ly và dùng nhiều loại kháng sinh mạnh. Lần đầu tôi tiếp xúc với cô bé, em vừa qua cơn nguy kịch, nằm trên giường bệnh, băng kín gần như toàn bộ cơ thể và nửa bên mặt, nhưng nửa kia đầy vẻ mệt mỏi, đau đớn. Em không nói được gì, chỉ nhìn tôi thẫn thờ, không phản ứng. Chúng tôi phân công một bác sĩ hỗ trợ tâm lý cho em.
Những lần gặp tôi sau đó, em kể về cơn đau do vết thương và ghép da, về cảm giác cô đơn lẻ loi khi nằm trong phòng cách ly kéo dài, về những nỗi sợ trước những đợt ghép da. Cũng có lúc cô bé vui lên vì khỏe hơn, nhưng luôn lặp đi lặp lại hai câu hỏi: "Tại sao mẹ lại làm vậy với con?", "Sao mẹ chưa bao giờ gọi điện hỏi thăm hoặc vào thăm con?".
Ngày bé xuất viện sau gần hai tháng điều trị, những vết sẹo loang lổ trải dài từ mặt cho đến bàn chân, xen lẫn băng trắng chưa tháo. Em cười vì được về nhà, rồi vẻ mặt thoảng buồn khi có người hỏi về mẹ. "Từ lúc con nằm viện, mẹ chưa bao giờ gọi điện hỏi thăm hay vào thăm con", em nhắc lại. Bé được đưa về sống với dì ruột, nhưng chúng tôi rất băn khoăn, tương lai của em còn rất nhiều vấn đề cần quan tâm. Bên cạnh nỗi lo nhiễm trùng, đau đớn do vết phỏng, do những lần ghép da, em cần thực hành những bài vật lý trị liệu thường xuyên để tránh sẹo co rút cũng như cần nâng đỡ để vượt qua tổn thương tâm lý lâu dài.
Một em bé phải trải qua giai đoạn phản ứng stress cấp khi bị mẹ đốt, trải qua giai đoạn bị cách ly và bị mẹ bỏ rơi trong thời gian dài điều trị, biết bao tổn thương sâu sắc. liệu em có thể quên. Những vết sẹo lưu dấu trên cơ thể rồi sẽ gợi lại cho em cảm xúc tiêu cực từng trải qua mà không thể kiểm soát - là tình trạng được giới chuyên môn gọi là "Rối loạn stress sau sang chấn". Những vết sẹo cũng có thể là lý do em sẽ bị chọc ghẹo, tạo mặc cảm về bản thân. Nhưng có lẽ nặng nề nhất là, chúng có thể tạo hố sâu ngăn cách sự hàn gắn tình cảm giữa con và người mẹ ruột.
Em nói đã tha thứ cho mẹ. Có thể một ngày nào đó, em sẽ trở về sống với mẹ, trở lại môi trường cũ, những cách cư xử cũ với nhiều nguy cơ tiếp tục bị bạo hành.
Ngược đãi trẻ em là một thực trạng của nhiều cha mẹ Việt Nam. Một báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và Tổng cục Thống kê năm 2014 cho thấy, chỉ có 14,6% phụ huynh nghĩ rằng cần phải sử dụng những hình phạt thể chất như đánh, tát... để dạy con mình. Nhưng trong thực tế, tới 40,6% phụ huynh đã áp dụng hình thức này để dạy con; gần 70% cha mẹ sử dụng những hình thức bạo lực như la hét, chửi bới, đánh đập với con cái. Nghiên cứu gần nhất phỏng vấn hơn 1.800 trẻ tuổi từ 12 tới 17 cho thấy, gần phân nửa số trẻ bị ngược đãi trong khoảng thời gian một năm vừa qua; 83% trẻ đã từng bị ngược đãi trong đời. Có vẻ như, sử dụng bạo lực đã là một phương pháp phổ biến trong nhiều gia đình, nơi được xem là tế bào của xã hội.
Do những ảnh hưởng của Nho giáo, do quan niệm đã lạc hậu "thương cho roi, cho vọt" và do chiến tranh - một tình huống mà việc sử dụng bạo lực là điều không thể tránh khỏi. Ba lý do này được các tác giả đưa ra để giải thích cho thói quen sử dụng bạo lực lên con cái tại Việt Nam.
Nhiều nghiên cứu cho thấy những trẻ bị bạo hành hoặc chứng kiến sự bạo hành có khuynh hướng sử dụng những hình thức bạo hành trong việc giải quyết các vấn đề trong cuộc sống nhiều hơn những trẻ không trải qua điều này. Và nếu như kết quả nghiên cứu trên có thể áp dụng cho cả nước, thử hỏi rằng trong số hơn 80% trẻ từng bị ngược đãi sẽ có bao nhiêu trẻ tiếp tục sử dụng sự bạo hành trong mối quan hệ của mình trong gia đình và ngoài xã hội?
Nhìn rộng ra, hàng ngày, không ít người trong chúng ta được đọc, biết hoặc chứng kiến việc sử dụng bạo lực để giải quyết những mối quan hệ trong xã hội. Một trong những sự kiện mới nhất là không chỉ một học sinh bị bạn đánh hội đồng rất dã man. Hay có hàng triệu người trẻ theo dõi tài khoản trên mạng của một số nhân vật chuyên trình chiếu việc sử dụng ngôn từ và hành vi bạo lực và coi như giải trí. Và khi các sự việc bạo lực học đường gần như bùng phát, nhiều người lên tiếng yêu cầu những ai có trách nhiệm phải từ chức.
Chúng ta lên án bạo lực và những hành vi mang tính ngược đãi, chúng ta yêu cầu thay đổi những người quản lý, đòi xử thật nghiêm người đã bạo hành. Chúng ta bàn tán rất nhiều về tội lỗi của người khác. Nhưng có mấy ai từng tự vấn: đã bao nhiêu lần mình mắng nhiếc nặng lời, hay đánh, tát con trẻ? Cái xấu trong xã hội có biến mất khi dưới mỗi mái nhà, việc bạo hành con trẻ bằng ngôn từ và hành vi mang tính ngược đãi vẫn tiếp tục? Và chưa mấy phụ huynh thấy mình cần thay đổi?
Phạm Minh Triết