Dưới đây là góc nhìn của các chuyên gia ẩm thực và du lịch quốc tế trả lời cho câu hỏi: "Vì sao ẩm thực đường phố lại phổ biến tại Việt Nam".
Nguyên nhân đầu tiên là bắt nguồn từ truyền thống lâu đời từ những người dân phố thị. Nhà trên phố có xu hướng nhỏ, hẹp và chật chội, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Do đó, mọi người không có đủ không gian để đón tiếp những người bạn đến nhà, cùng nhau ăn uống. Thay vào đó, họ dẫn nhau ra ngoài, cùng nhau ngồi chen chúc trên các bàn đặt trên vỉa hè của các quán ăn đường phố.
Thêm vào đó là tính chất cư trú tạm thời của những người dân di cư đến các thành phố lớn sống, làm việc. Những người này thường thuê những căn phòng nhỏ. Nhiều người sống một mình, nên ít có thói quen tự nấu nướng hoặc chỉ chuẩn bị đồ dùng nấu nướng đơn giản. Thay vào đó, họ ra ngoài ăn tại các hàng quán vỉa hè, giá cả phải chăng mà lại ngon miệng.
Một lý do khác là người dân địa phương thường có xu hướng tránh nấu nướng trong bếp vào những ngày nắng nóng. Và khi buổi tối thời tiết dịu xuống, họ có một thú tiêu khiển quen thuộc là lên xe máy, phóng ra đường "bát phố". Lúc này, họ thường dừng lại để ăn nhẹ, uống đồ lạnh hay một cốc bia để giải nhiệt.
Một đặc trưng của ẩm thực đường phố chính là dù đi một mình hay nhóm bạn, thực khách buộc phải ngồi sát cạnh nhau, và chủ quán chỉ cần đi vài bước là có thể bày các món ăn lên trước mặt bạn.
Lonely Planet còn giới thiệu về ẩm thực đường phố ở Việt Nam như sau: "Việt Nam là một trong những nơi có ẩm thực đường phố ngon nhất thế giới. Nó hứa hẹn mang đến hương vị đậm đà, đa dạng mà bạn không cần bước chân vào nhà hàng cũng có thể tận hưởng. Bạn có muốn ăn một ít ngô nướng tẩm dầu cùng hành hoa, hay một tô phở bốc khói nghi ngút, rồi sau đó tráng miệng bằng một ly nước mía hay quất mát lạnh không? Chào mừng bạn đến với khung cảnh ẩm thực đường phố rực rỡ của Việt Nam".
Bên cạnh đó, các khách Tây cũng truyền nhau bí kíp thưởng thức các món ăn đường phố tại Việt Nam. Theo đó, bánh cuốn thường được bán theo suất. Các chủ quán thường hỏi bạn muốn ăn một suất 15.000 đồng hay 20.000 đồng. Và bạn muốn ăn suất nào cũng được.
Để đảm bảo tránh bị ngộ độc thức ăn, bạn cần lưu ý ăn ở những nơi có nhiều người đang ăn, thay vì những hàng quán vắng vẻ. Nhiều người ăn có nghĩa là thức ăn được vận chuyển liên tục, mới liên tục, thay vì tồn động. Các khách Tây cũng chú ý đến khu vực nấu nướng của các quán này như trong có lưới chắn ruồi không, có mùi thức ăn tươi không. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ dùng khăn ăn để lau sạch bát đũa, thìa dĩa trước khi ăn để vệ sinh.
Khách Tây cũng có xu hướng thích các loại trái cây có vỏ không ăn được (dưa hấu, xoài, chuối) vì chúng đảm bảo vệ sinh hơn. Với các loại trái cây ăn cả vỏ, họ truyền tai nhau nên rửa sạch. Tương tự, họ cũng hạn chế ăn rau sống vì e ngại thuốc trừ sâu vẫn còn, hoặc chưa được rửa sạch đúng cách. Nếu muốn ăn họ thường yêu cầu người bán chần qua nước sôi.
Anh Minh (Theo Lonely Planet)