- Từng tham dự nhiều sự kiện quốc tế, ông ấn tượng gì về Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 vừa diễn ra tại Đà Nẵng?
- Trước khi tham dự APEC 2017, tôi cũng tham dự một số hội nghị quốc tế tại Thụy Sĩ, Đức. Xét về quy mô, khâu tổ chức diễn ra thành công, góp phần nâng cao vị thế kinh tế - chính trị của Việt Nam trên trường quốc tế. Các chủ điểm đưa ra thảo luận tại APEC được đánh giá có tính thực tế cao.
Bên cạnh đó, công tác an ninh khá chuyên nghiệp với hơn 20.000 camera được lắp đặt khắp thành phố, bảo đảm an toàn trong suốt tuần lễ cấp cao APEC. Để đón tiếp 21 nguyên thủ các nước tham gia APEC, Việt Nam đã tổng duyệt kế hoạch triển khai trước 1,5 năm với hơn 800 cảnh sát làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông.

Tỷ phú Mai Vũ Minh tại Hội nghị thượng đỉnh APEC Việt Nam 2017.
- Với các hoạt động bên lề Hội nghị APEC, ông cảm nhận như thế nào?
- Dưới góc nhìn của một doanh nhân, tôi cho rằng, nước chủ nhà APEC 2017 đã khẳng định thành công hai thông điệp lớn là một Việt Nam thúc đẩy nền kinh tế thương mại tự do và ngoại giao đa phương.
Bên lề hội nghị, tôi ấn tượng với sự năng động và quyết liệt của Thủ tướng Canada. Mặc dù quá trình nghị sự căng thẳng với chủ điểm TPP nhưng bên lề ông Justin Trudeau rất thân thiện và cởi mở.
Việt Nam cũng nhận được sự ủng hộ hành lang từ những người bạn quốc tế lớn như bà Victoria Kwa Kwa - Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới với cam kết hết sức ủng hộ các nữ doanh nhân khởi nghiệp thông qua các quỹ đầu tư; bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga - Trưởng khu hành chính Hong Kong với cam kết đẩy mạnh hoạt động du lịch đầu tư giữa các đặc khu kinh tế mới Việt Nam với Hong Kong.
- Theo ông, Việt Nam đạt được gì sau khi tổ chức thành công Hội nghị APEC?
- Tôi rất quan tâm đến những chủ đề nghị sự nóng trong suốt tuần lễ APEC. Có những tuyên bố chung thể hiện sự cam kết cụ thể và khả thi liên quan đến vấn đề tự do thương mại, tăng trưởng kinh tế bề vững và tương lai nguồn nhân lực.
Đây là những vấn đề quan trọng về chính sách thượng tầng vì chúng ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư lâu dài của chúng tôi khi muốn xoay trục hoạt động kinh doanh sang khu vực kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.
Cụ thể hơn, Đức là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với hoạt động nhập khẩu hàng hóa có giá trị lên tới 6 tỷ USD. Vì vậy, thông qua APEC, Việt Nam đã được nâng tầm uy tín trên lĩnh vực tự do thương mại.

Bà Victoria Kwa Kwa, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới.
Cũng như nhiều nhà đầu tư quốc tế khác, cá nhân tôi trước thềm APEC có nhiều băn khoăn liên quan đến chính sách tăng trưởng tiền lương cho người lao động, sự ổn định về tỷ giá hối đoái và sức bật tăng trưởng của thị trường vốn.
Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Canada đánh chiêng tại sàn chứng khoán Việt bởi lẽ nhà đầu tư như tôi luôn trông chờ vào việc niêm yết các công ty nội địa đủ tốt trên sàn chứng khoán trong thời gian tới. Đây sẽ là kênh dẫn dòng vốn lớn từ nước ngoài đổ vào nền kinh tế Việt Nam. Nhờ các cuộc gặp song phương, đa phương, trao đổi bên lề liên tục suốt 7 ngày nghị sự mà hầu hết những thắc mắc nêu trên đã có câu trả lời chính thức và tích cực.
- Quốc gia thành viên APEC nào đang có tầm ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam hiện nay, thưa ông?
- Tuy Hàn Quốc đang đứng đầu về lượng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam với giá trị hơn 6,3 tỷ USD trong 3 quý đầu năm 2017 nhưng người Nhật đang gây dựng hầu hết các cơ sở hạ tầng cho Việt Nam những năm gần đây.
Tôi có một khoảng thời gian sống làm việc tại Nhật Bản nên rất khâm phục đức tính tỉ mỉ và khiêm tốn của người dân nơi đây. Khi nguồn vốn ODA viện trợ cho Việt Nam đang giảm dần thì Nhật Bản vẫn cam kết nhiều gói viện trợ ưu đãi lãi suất thấp cho những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam như giao thông vận tải, nông nghiệp, giáo dục.
- Việc tham dự Hội nghị APEC Việt Nam giúp ích gì cho ông?
- Nhờ APEC, tôi có dịp trao đổi với ông Philipp Rosler, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới về các dự án tôi đang triển khai tại Việt Nam và tương lai việc làm cho giới trẻ Việt. Chúng tôi đều là những người con Việt Nam xa quê từ nhỏ và cùng tạo lập sự nghiệp trên đất nước Đức nên luôn trăn trở hướng về quê hương.

Tỷ phú Mai Vũ Minh và ông Philipp Rosler - Nguyên Phó thủ tướng Đức, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Ông Philipp Rosler chia sẻ kinh nghiệm trong thời gian từng đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng bộ Kinh tế và Công nghệ của nước Đức, nhờ vậy tôi có thêm góc nhìn vĩ mô dưới quan điểm của nhà điều hành chính sách. Với sự kỳ vọng và ủng hộ của Philipp Rosler cũng như nhiều doanh nhân - chính khách khác, tôi thêm quyết tâm cho dự án công nghệ đầu tư tại Việt Nam.
Thu Ngân