Tờ Rest of World (Mỹ) đã trò chuyện với các tài xế xe công nghệ, nhân viên giao hàng và người dọn dẹp trên các ứng dụng tại 10 thành phố lớn tại châu Á, châu Phi, châu Mỹ nhằm tìm hiểu điều kiện làm việc của những người này.
30% số người được phỏng vấn nói không được nghỉ giải lao giữa các chuyến đi. Hơn 50% cho biết thường xuyên bị từ chối sử dụng dịch vụ tại những nơi công cộng như trung tâm thương mại, nhà hàng. Gần như toàn bộ đều gặp cảnh bị xua đuổi hàng ngày.
Sophia Ibrahim Gedo, tài xế xe công nghệ ở Nairobi, Kenya, kể về một lần muốn đi vệ sinh khi đang chở khách. Thông thường, nữ tài xế dừng xe tại trạm xăng, trung tâm mua sắm hoặc một nhà hàng trên đường để sử dụng nhà vệ sinh. Nhưng ngày hôm đó cửa nhà vệ sinh tại đây đều bị khóa. Hành khách cũng có việc gấp khiến Gedo đành nhịn và tiếp tục hành trình. "Đó là chuyến đi dài nhất của tôi. Tôi cảm giác gần như không thể nhịn tiếp", nữ tài xế gần 40 tuổi nói.
Những tài xế taxi công nghệ như Gedo thường làm việc 10-12 tiếng mỗi ngày để trang trải cuộc sống. Mỗi khi chở khách đến các điểm quen thuộc, họ sẽ tìm nơi đáp ứng các nhu cầu cơ bản như nhà vệ sinh, ăn uống, nghỉ ngơi. Nhiều người còn có một bản đồ ghi lại những nơi có thể dừng chân và nghỉ ngơi.
Các nền tảng như Grab, inDrive và iFood đang hỗ trợ xây dựng các điểm dừng chân, phòng chờ cho nhân viên. Nhưng không nhiều lao động được tiếp cận những nơi này.
Tobias Kuttler, người tham gia vào dự án của Viện Internet Oxford và Trung tâm Khoa học Xã hội WZB Berlin, Đức, nói: "Phần lớn người lái xe không thể nghỉ ngơi và ngủ rất ít. Tôi từng thấy nhiều người làm việc trung bình 17 tiếng mỗi ngày. Họ luôn trong tình trạng thiếu ngủ, sức khỏe kém và phải dùng thuốc giảm đau".
Hiện có gần 435 triệu lao động hợp đồng trên toàn cầu và khảo sát của Rest of World cho thấy nghỉ ngơi là điều xa xỉ với họ.
Wallace Miguel, nhân viên giao hàng của iFood và Lalamove ở thành phố São Paulo, Brazil, chỉ có thể tranh thủ nghỉ lúc đầu bếp đang làm đồ ăn cho khách. Tại đây nhà hàng sẽ cung cấp ghế dài và nước uống giúp shipper 22 tuổi thoải mái hơn.
Trong khi Basil Faraz, tài xế làm việc cho một ứng dụng giao đồ ăn ở Pakistan, nói chỉ khi được phép, anh mới có thể nghỉ ngơi. Chỗ ngả lưng của anh là hòn đá, dưới một tán cây trên vỉa hè - nơi nhiều nhân viên giao hàng khác cũng đang dừng chân.
"Tôi không thể vào bên trong một trung tâm mua sắm có máy lạnh để nghỉ ngơi. Chỉ cần nhìn thấy tôi vào đó, nhân viên bảo vệ sẽ nói 'biến đi'", Faraz kể.
Ở những quốc gia như Kenya, luật pháp cấm shipper làm việc quá 8 tiếng một ngày. Nhiều tài xế lách luật bằng cách đăng ký nhiều ứng dụng để tăng thu nhập và kết quả là họ thường xuyên làm đến 19 giờ mỗi ngày. Nhưng điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro, một trong số đó là không được nghỉ ngơi đầy đủ.
Julius King'ori, tài xế xe công nghệ ở Nam Phi, thừa nhận làm việc 14 tiếng mỗi ngày gây nguy hiểm cho bản thân và khách hàng. Người đàn ông 45 tuổi nói bản thân hy vọng được nghỉ ngơi nhiều hơn nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên tiếp tục làm.
Để tối đa hóa thời gian di chuyển trên đường, một số tài xế xe công nghệ như Julius không về nhà vào cuối ngày. Họ chọn ngủ trong ôtô đỗ tại sân bay Quốc tế Jomo Jenyatta, sử dụng phòng tắm miễn phí và sẵn sàng lên đường khi có khách.
"Điều tốt nhất là các ứng dụng có thể làm là điều chỉnh mức lương để các lao động chúng tôi có thể được nghỉ ngơi thoải mái", một tài xế giao hàng nói.
Trong số 104 nhân viên làm việc tự do tham gia khảo sát, 36 người nói chỉ ngủ nhiều nhất 6 tiếng mỗi ngày. Gần một nửa trong số họ đã bị quấy rối hoặc gặp cướp trong lúc nghỉ ngơi. Đa phần các trường hợp bị tấn công đều là nữ.
Angela Chukunzira, nhà nghiên cứu lao động tại Thư viện Ukombozi, Kenya kể một số nữ tài xế Uber phải vất vả tìm chỗ thay băng vệ sinh trong giờ làm việc. Họ thậm chí phải trả tiền để sử dụng phòng tắm ở một số trung tâm thương mại. Điều này trở thành một vấn đề và tăng thêm chi phí cho người lao động.
Thời gian gần đây, nhiều shipper phải tự tạo không gian riêng, nơi họ được sử dụng nhà vệ sinh tùy ý và chỗ nghỉ an toàn. Ví dụ như ở Jakarta, Indonesia, các tài xế đã dựng hàng chục nhà nghỉ tạm thời bằng gỗ, vải lều để làm nơi trò chuyện, ăn uống trong khi chờ đơn đặt hàng.
Trước tình trạng trên, một số nền tảng đã đẩy mạnh không gian nghỉ ngơi dành cho các lao động nữ. Một trong số đó là phòng chờ của InDrive dành cho các tài xế ở Jakarta. Đại diện công ty cho biết một trong những sứ mệnh của đơn vị quản lý là giải quyết sự bất công trong ngành công nghiệp gọi xe. Trong khi đó, Grab đã vận hành ba phòng chờ ở Jakarta, cung cấp nhiều tiện nghi thiết yếu như wifi, phòng cầu nguyện, xưởng sửa xe máy, tiệm cắt tóc... ứng dụng này còn có tính năng "an toàn chống mệt mỏi" để nhắc nhở tài xế cần nghỉ ngơi nếu đã lái xe trong nhiều giờ.
Hay tại São Paulo, nền tảng giao đồ ăn iFood đã triển khai hơn 170 điểm hỗ trợ nước, nhà vệ sinh cho shipper. Các khu vực có chỗ nghỉ hoặc tiện ích như lò vi sóng, cổng sạc hiện chưa triển khai.
Nhưng với những nhân viên giao hàng như Philip Saheed ở Ấn Độ, anh muốn được đi làm nhiều hơn thay vì tìm chỗ nghỉ vì muốn tăng thu nhập.
"Điều tôi hy vọng duy nhất là được tạo điều kiện làm việc tốt hơn, tránh bị đối xử bất công như hiện nay", chàng trai 20 tuổi nói.
Minh Phương (Theo Rest of World)