Từ bé Vinh, sinh ra ở TP HCM, đã hay mày mò trên máy tính của bố, thích thú với phần mềm vẽ Microsoft Paint, rồi tìm tòi biết đến Illustrator, Photoshop và sử dụng thành thạo.
Anh không có cảm hứng với các môn học ngoại trừ tiếng Anh và vẽ trên máy tính. Tốt nghiệp cấp ba, Vinh đi học một khóa về đa phương tiện nhưng thầy chỉ dạy những điều anh đã biết nên bỏ và đi xin làm thiết kế đồ họa, tự nuôi sống bản thân. Mức thu nhập của Vinh từ 3 triệu đồng tăng dần lên 4.500 USD một tháng. Ở tuổi 27, anh được một công ty mời sang Mỹ cho vị trí cố vấn thiết kế nhưng phút cuối lời mời bị hủy do công ty thay đổi chính sách.
"Tôi đã rất kỳ vọng nên cũng cực kỳ hụt hẫng. Vợ tôi lúc này đang mang thai đứa con đầu lòng nhưng cô ấy khuyên tôi vẫn nên đi để tìm cơ hội cho mình. Tôi thấy có lý'', anh nói.
Ngay khi đặt chân sang San Francisco, Vinh sốc nặng vì cuộc sống ở xứ cờ hoa quá đắt đỏ. Anh chỉ có khoảng 8.000 USD phòng thân, nhưng tiền thuê một phòng đã 2.500 USD một tháng. Vinh đành thuê phòng chung với người khác, giá 800 USD. "Tôi chờ đến giờ siêu thị giảm giá để mua đồ ăn, tìm đến khu chợ mua đồ Trung Quốc để mua hai cái bánh bao, giá 5 USD ăn hai bữa mỗi ngày", Vinh nhớ lại.
Anh liên hệ với tất cả những đồng nghiệp người Mỹ hồi còn ở Việt Nam nhờ hỗ trợ. Một người kết nối Vinh với người bạn của mình và từ đó được giới thiệu với giám đốc của người vừa quen.
Ngày đến trung tâm thành phố San Francisco để tham gia phỏng vấn, anh đi bộ, đi tàu điện ngầm suốt hai giờ đồng hồ. Trên đường đi, chàng thanh niên người Việt thấy ai cũng đi rất nhanh, rất đẹp vì biết hướng họ sẽ tới, còn anh bước đi trong mông lung vô định.
Khát khao tìm thấy một con đường để bước tràn ngập lòng chàng trai trẻ. "Tôi lấy hết sự tự tin để bước vào cuộc phỏng vấn kéo dài 8 tiếng đồng hồ", anh kể.
Ở đó, sau buổi phỏng vấn, CEO công ty cho Vinh hai lựa chọn cho vị trí giám đốc thiết kế với mức lương như anh đề nghị hoặc lương thấp hơn 15% nhưng có thêm cổ phần. Lúc đó chỉ muốn có tiền để trang trải, anh chọn phương án đầu.
Vinh có năng lực chuyên môn nhưng yếu ở kỹ năng giao tiếp. Dù tiếng Anh tốt, khả năng truyền đạt của anh không như mong đợi. Anh tập nói trước gương, sau đó chủ động phát biểu trong các cuộc họp để nhận góp ý từ đồng nghiệp. "Họ chỉ cho tôi nên dùng từ nào để diễn đạt cho đúng ý. Nhờ làm việc trong môi trường như vậy, tôi dần khá lên'', anh kể. Chỉ một năm sau, thiết kế của Vinh được báo Fox của Mỹ vinh danh là thiết kế đẹp nhất trong năm.
Có điều, phải sống một mình khiến Vinh luôn muộn phiền. Có lần, anh khóc nức nở ở nhà hàng khi thấy một gia đình tổ chức sinh nhật cùng nhau, còn mình chỉ đơn côi. Lần khác, đột nhiên Vinh bị đau bụng bên trái nặng, không đi được. Đồng nghiệp đưa vào viện anh mới biết mình bị sạn thận. Anh nằm đến ba giờ sáng rồi tự đón xe về. Ba ngày liền, Vinh chỉ trên giường, bớt đau thì gắng gượng dậy đi làm. Vậy nên ngay khi ổn định cuộc sống, anh đón vợ sang. Vinh bớt cô đơn sau những giờ tan làm, nhưng cũng áp lực kinh tế hơn. Anh không muốn bạn đời phải khởi đầu cuộc sống ở Mỹ như mình từng trải nên thuê căn nhà cho hai người bằng 1/4 tháng lương.
Cuộc sống ở thuê khi con nhỏ đầy bất cập. Đứa trẻ khóc ngằn ngặt suốt ngày đêm, trong khi vách tường ngăn với hàng xóm quá mỏng. Đôi vợ chồng Việt bị hàng xóm nói lời khó chịu, chủ nhà đuổi khéo.
Chị Trần Ngọc Bích (vợ anh) kể, thời gian đó, chồng hết giờ ở công ty thì về ăn cơm xong lại ngồi làm việc đến đêm. Anh làm ba công ty cùng lúc để trang trải cuộc sống và mua nhà. "Ngày nào tôi cũng thấy anh ngồi học, không cái này thì cái khác. Anh luôn nói phải luôn củng cố và học thêm kiến thức mới đi xa được", chị kể. Năm 29 tuổi, anh Vinh mua ngôi nhà đầu tiên ở Mỹ.
Vinh lập website đăng tải các sản phẩm do mình thiết kế. Nhờ vậy, anh liên tục được các công ty như Google, Microsoft, Uber, Sony mời phỏng vấn. Sau hai năm đến Mỹ, anh rời công ty đầu tiên để tìm cơ hội mới. Vinh chọn Google, nơi có mức đãi ngộ hấp dẫn, sau hai lần nhận được thư mời.
"Tôi mất bốn tháng thực hiện xong các quy trình tuyển dụng rồi mới được phỏng vấn. Tối trước ngày quan trọng, tôi lại bị sạn thận, phải nhờ vợ chở đến", anh kể.
Ngồi suốt 8 giờ đồng hồ, giải ba bài thiết kế liên tục, anh mới bước vào vòng phỏng vấn. Người tuyển dụng hỏi: "Tại sao tôi không thấy bằng cấp nào trong hồ sơ của anh". Vinh đáp: "Tôi từng đi học, nhưng thấy làm là cách phát triển nhanh nhất, không sách vở nào theo kịp".
Anh được nhận vào làm việc ở vị trí thiết kế với "mức đãi ngộ như mơ". Nhưng cũng ở đây, Vinh biết mình bị trầm cảm kinh niên do những tổn thương thời niên thiếu, sau khi được kiểm tra sức khỏe tổng thể.
Năm Vinh 8 tuổi, cha mẹ anh ly hôn. 15 tuổi, anh chính thức sống một mình khi mẹ tái hôn và em trai đi du học. "Mỗi tuần, mẹ sẽ đến mang đồ ăn và 100 nghìn đồng đặt trên tủ lạnh cho tôi rồi về", anh kể. Vinh nghe nhạc liên tục, đồng thời ngồi vẽ trên máy tính như một cách bộc lộ bản thân.
Lúc này chàng trai Việt mới hiểu vì sao dù có vợ con, công việc và thu nhập tốt, trong lòng luôn thấy cô đơn, trống rỗng. Anh bắt đầu tìm đến bác sĩ tâm lý để trị liệu.
Vinh làm việc ở Google được ba năm thì phải dừng do Covid-19 ập đến. Tách mình khỏi công việc khiến bệnh trầm cảm nặng hơn. "Tôi sợ bóng tối, không muốn vào nhà mà chỉ ra ngoài cửa đứng. Cứ vào phòng là tôi khóc, cô đơn. Thuốc phản tác dụng khiến bệnh tình tôi nặng hơn", Vinh kể. Khi thế giới mở cửa trở lại, Vinh vẫn phải xin nghỉ phép ba tháng vì lý do sức khỏe.
Anh quyết định sang Meta (tên cũ là Facebook) sau 7 lần từ chối phỏng vấn, vì nghĩ mạng xã hội sẽ cho mình cơ hội tương tác nhiều hơn và được làm việc từ xa 100%, phù hợp với sức khỏe anh hiện tại.
Nhưng Vinh vẫn bị trầm cảm nặng, sức khỏe giảm sút. Thuốc giúp Vinh cân bằng, nhưng cướp hết cảm xúc để hoàn thiện công việc cần đòi hỏi cảm hứng. Trong cuộc họp, do tác dụng của thuốc, anh phản ứng thái quá với đồng nghiệp nên "vô cùng áy náy".
"Không thể ra ngoài nên tôi cũng không biết phải làm gì giúp anh, thậm chí cũng bị ảnh hưởng tiêu cực theo. Tôi phải liên hệ bác sĩ tâm lý để học cách hiểu người bị trầm cảm và học cách hỗ trợ anh, chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình nữa", chị Ngọc Bích nói.
Lúc này, Vinh mới nhận ra nhà rộng, xe đẹp không còn ý nghĩa gì khi không còn sức khỏe. Anh quyết định phải làm gì đó có ích cho đời, giúp những người trẻ, đặc biệt là những người trầm cảm như mình vượt qua bệnh tật. Năm ngoái, Vinh quyết định nghỉ việc, xây dựng một công ty phần mềm giải pháp hỗ trợ người trầm cảm tên Murror.app.
Chị Yến Chi, đồng nghiệp của anh Vinh ở Meta và cũng là người hợp tác với anh xây dựng Murror.app cho biết, Vinh truyền cảm hứng cho nhiều đồng nghiệp, luôn lắng nghe và tạo điều kiện cho mọi người để cùng nhau đi lên. "Vinh không màng gánh trách nhiệm lớn hay nhỏ. Tôi hợp tác vì đồng cảm với câu chuyện, tin vào năng lực của bạn ấy và sứ mệnh của công ty sắp ra đời", chị nói.
Hiện tại, công ty Vinh có 15 người, là các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, chuyên gia công nghệ ở khắp nơi trên thế giới. Anh hy vọng cuối năm nay sẽ ra mắt doanh nghiệp.
"Kể câu chuyện của mình, tôi không có ý trách móc cha mẹ vì mọi chuyện xảy ra đã là quá khứ và mẹ tôi đã làm hết mình để cho tôi cuộc sống suôn sẻ nhất. Tôi chỉ muốn mọi người hiểu được sự tác động của gia đình lên tâm lý một đứa trẻ", anh nói.
Phạm Nga