Tại Nhật Bản, tình trạng cha mẹ hơn 80 tuổi phải chăm sóc những đứa con bị thất nghiệp, sống ẩn dật (được gọi là 'hikikomori') khi bước qua tuổi 50, trở thành vấn đề nổi cộm trong xã hội với tên gọi "gia đình 80-50".
Sáng 6/1, sở cứu hỏa địa phương của thành phố Sado, tỉnh Niigata, nhận tin báo phát hiện ba người nằm gục trong ngôi nhà hai tầng tại thị trấn cảng Ogi.
Hitoshi Saito, 69 tuổi, ủy viên phúc lợi quận Ogi là người phát hiện và trình báo vụ việc. Giới chức xác định cả ba nạn nhân đã ngừng hô hấp, không có vết thương ngoài. Điều này khiến Sở Cứu hỏa không đưa thi thể đến bệnh viện mà bàn giao cho Sở Cảnh sát Sado. Đơn vị này phán đoán có rất ít khả năng là án mạng hay tự sát. Cuối cùng, người con trai được xác định chết vì bệnh tật, còn bố mẹ anh qua đời do sức khỏe yếu.
Trước đó, một nhân viên giao báo họ Saito nhận thấy bưu phẩm giao đến nhà này nhưng không ai mang vào suốt ba ngày. Saito nhanh chóng báo cho ủy viên Hitoshi Saito đến kiểm tra và phát hiện các thi thể.
Theo hàng xóm, trước khi bi kịch ập đến, người cha 91 tuổi từng làm việc cho ngân hàng, đã nằm liệt giường nhiều năm. Người vợ 88 tuổi làm nội trợ, mắc chứng đãng trí, đi lại khó khăn. Cặp vợ chồng đang sống cùng con trai thứ hai 59 tuổi, chưa lập gia đình.
Người đàn ông này từng học tại trường trung học ở Sado, sau làm việc trong một nhà máy sản xuất chất bán dẫn. Cách đây gần 6 năm, ông bị cho thôi việc khi công ty gặp khó khăn về tài chính. Thay vì tìm việc mới, ông về nhà sống nhờ bố mẹ, tự nhốt bản thân trong căn phòng trên tầng 2 và hạn chế giao tiếp.
Từ tháng 12/2022, Ủy viên phúc lợi Hitoshi Saito được giao nhiệm vụ theo dõi những hộ gia đình có người trên 80 tuổi ở thành phố Sado.
Do mới tiếp quản từ người tiền nhiệm, ông Hitoshi nói không nắm rõ tình hình, một số thông tin cá nhân của các hộ không được cung cấp vì quyền riêng tư. "Nếu phụ trách gia đình đó sớm hơn, tôi có thể làm điều gì đó cho họ. Nhưng thực tế, bi kịch như vậy có thể xảy ra ở bất cứ đâu tại Sado", ông nói.
Ông Hitoshi cũng dẫn trường hợp các gia đình xấu số trong cuộc họp giữa ủy viên phúc lợi và cán bộ ngành khác để tìm kiếm phương pháp ngăn chặn các thảm họa. Nhiều người tham dự gợi ý những gia đình này nên đăng ký với các cấp để được chứng nhận cần điều dưỡng chăm sóc.
Minoru Kawakita, phó giáo sư xã hội tại Đại học Giáo dục Aichi, nói rằng "80-50" đã trở thành vấn đề xã hội do cấu trúc hộ gia đình. Nhật Bản ghi nhận số người sống cùng cha mẹ ngày càng gia tăng, nhiều người trên 50 tuổi chưa lập gia đình. Chính quyền trung ương và địa phương đã nỗ lực tìm cách hỗ trợ người trung niên và cao tuổi tiếp cận các dịch vụ tư vấn chuyên biệt.
Bộ phận phúc lợi người cao tuổi của chính quyền thành phố Sado giải thích vẫn tiến hành các chuyến thăm tận nhà và thực hiện các biện pháp cần thiết, dựa vào tình hình thực tế để có thể quan tâm đến người dân. Nhưng, bi kịch của những gia đình này vẫn xảy ra.
Ông Minoru Kawakita chỉ ra, các cặp vợ chồng già đang chăm nuôi con cái rất cần nhận sự giúp đỡ từ bên ngoài nhưng không phải ai cũng cởi mở. Họ xấu hổ khi phải nhờ người ngoài chăm sóc những đứa con bất tài. Một số khác muốn che giấu sự tồn tại của con cái họ.
Minh Phương (Theo Mainichi)