Ngày ba mươi Tết, ở làng tôi nhà nào cũng nhộn nhịp không khí chuẩn bị đón xuân về. Các mẹ, các chị í ới nhau đi chợ mua sắm đồ. Các chú, các anh lo hoàn tất công việc dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để đón năm mới. Riêng nhà tôi, ngày ba mươi Tết vẫn phải cắt chuối mang vào chợ bán cho người ta bày mâm ngũ quả. Sáng sớm, mẹ đánh thức cả nhà dậy để phụ mẹ chở xe chuối vào chợ. Tôi mắt nhắm mắt mở lật tấm chăn ấm ra, cái lạnh se sắt phả vào mặt buôn buốt. Tôi dậy phụ mẹ xếp chuối vào xe thồ rồi lẽo đẽo chân thấp chân cao đẩy xe giúp mẹ trên đường.
Ngày giáp Tết có khác, mới sớm tinh mơ mà người làng đi chợ đông nườm nượp. Người gánh hoa, người mang lá dong, bong bóng... khiến cho ngôi chợ nhỏ trở nên nhộn nhịp hẳn lên.
Hết buổi sáng, mẹ cũng bán hết được xe chuối. Xong, tôi đứng im một góc trông chừng xe, còn mẹ đi mua sắm gạo nếp, thịt ba chỉ, lá dong, đậu xanh và mắm muối rau củ cho ngày Tết. Mẹ và tôi khấp khởi ra về. Trên đường, người ta đã trưng quá chừng cây kiểng đủ loại nào đào, quất, lay ơn, cúc... Ngang qua quầy bóng bay, mẹ tấp vào mua cho tôi một cái hình cô mèo xinh xinh. Tôi thích chí cầm phe phẩy trong gió.
Buổi trưa, gia đình tôi hối hả chuẩn bị gói bánh chưng. Bố đi kéo tàu dừa, mẹ ngâm đậu xanh, gạo nếp, giã lá giềng. Tôi cũng hối hả không kém, tự tay thoăn thoắt lau rửa cả một thúng lá dong và cắt đầu đuôi thật gọn. Xong đâu đó, ba người quây quần bên một cái nong lớn, xúc gạo nếp vào khuôn, thịt và đậu xanh ở giữa làm nhân để gói ghém thành những cái bánh chưng vuông vức, nằng nặng tay. Buổi chiều, khi chồng bánh chưng đã đầy thúng, mẹ cùng với bố chất bánh vào cái nồi gang thật to, đổ nước xâm xấp và nhấc lên bếp củi. Tôi có nhiệm vụ trông bếp để bố mẹ làm những công việc khác như gói nem, gói giò...
Khoảng 17h ngày ba mươi, những ông bố trong xóm rủ nhau ra mộ để rước tổ tiên về nhà ăn Tết. Những đứa trẻ cũng í ới gọi nhau đi quét đường. Đó đã thành lệ, năm nào các anh chị đoàn viên của thôn cũng phát động cho bọn trẻ quét dọn đường xá thật sạch, để đón chào năm mới. Tôi nhờ mẹ trông bếp giùm rồi nhập vào các bạn để góp sức làm việc công. Xong tôi lại trở về với nồi bánh chưng để mẹ có thời gian chuẩn bị bữa cơm tất niên cúng ông bà.
Đêm giao thừa vẫn chưa hết việc, mẹ sàng xẩy hạt hướng dương rồi rang trong cái nồi gang bị lủng lổ châm kim. Mẹ dùng đôi đũa tre đảo hướng dương cho đều lửa và tiếng loong coong phát ra rộn rã, vui tai. Bên cạnh là tôi đang ngồi trông chừng nồi bánh chưng sôi lục đục. Thỉnh thoảng cạn nước, bố lại múc nước châm vào. Mùi bánh chưng lất phất, thơm nồng.
Khoảng 22h, những đứa bạn cùng xóm lại í ới gọi tên tôi ngoài cổng. Lòng tôi nôn khôn tả, nhờ mẹ ngó giùm bếp rồi chạy vội ra xem có chuyện chi. Thì ra các bạn muốn rủ tôi đi chơi phố. Phố đêm giao thừa thì đẹp hết biết và ngày Tết ở quê thời đó cũng rất an yên để bọn trẻ có thể đi chơi mà không cần phải lo nghĩ gì. Tôi tần ngần ít giây, thấy cảnh đi chơi phố cùng chúng bạn hấp dẫn quá đỗi. Nhưng còn nồi bánh chưng trong bếp thì sao? Cuối cùng tôi đành nói lời xin lỗi các bạn để trở vào nhà. Lúc này mẹ và bố đang chuẩn bị nhào bột gạo để làm bánh lá cúng vào sáng mai, mùng một Tết.
Khoảnh khắc giao thừa, tôi chạy ào lên nhà để xem từng chùm pháo hoa sáng rực trên TV, cùng lời chúc Tết của Chủ tịch nước. Bố thắp chùm nhang lên bàn thờ gia tiên, hương nhang thơm phảng phất. Tôi lâng lâng cảm nhận thời khắc thiêng liêng nhất trong năm. Chắc hẳn trên phố đang vui lắm, rồi tôi nhớ nồi bánh chưng trong góc bếp, vội chạy vào để chất thêm củi. Hơi lửa trong bếp ấm nồng, mùi bánh chưng tỏa lan sực nức trong gian bếp nhỏ. Tôi nhận ra đó chính là mùi Tết.
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Nguyễn Thị Chiên