Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã CK: TTF) công bố báo cáo tài chính quý II/2016 với khoản lỗ lên đến 1.123 tỷ đồng, trong khi quý trước lãi 54 tỷ. Luỹ kế 6 tháng Gỗ Trường Thành thua lỗ 1.073 tỷ đồng, cùng kỳ vẫn lãi 133 tỷ.
Việc Trường Thành bất ngờ công bố lỗ nghìn tỷ đồng gây sốc cho cả giới tài chính vì không hiểu điều gì đang xảy ra với đại gia xuất khẩu gỗ lớn nhất Việt Nam này. Từng đứng bên bờ vực phá sản vì nợ nần, tình hình kinh doanh của Gỗ Trường Thành gần đây đã khá ổn định và gây chú ý khi có sự xuất hiện của ông lớn Vingroup. Do đó, việc doanh nghiệp công bố lỗ lớn khiến nhiều nhà đầu tư bức xúc.
Theo giải thích của đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, sở dĩ có khoản lỗ trên là do đơn vị đã phát hiện có tới 980 tỷ đồng hàng tồn kho bị thiếu khi kiểm kê trong giá vốn hàng bán. Việc trích lập dự phòng với các khoản thu khó đòi và hàng tồn kho bị thiếu khiến công ty rơi vào thua lỗ nặng.
Tính đến cuối tháng 6, hàng tồn kho của Gỗ Trường Thành giảm xuống còn 1.777 tỷ đồng. Các khoản phải thu của công ty cũng giảm hơn 218 tỷ. Doanh thu công ty sụt giảm 34,5% xuống còn 883 tỷ đồng. Tổng tài sản bốc hơi hơn 800 tỷ xuống còn 3.573 tỷ đồng. Đặc biệt, tỷ lệ vay nợ đã tăng lên gần 86%, ăn mòn vốn chủ sở hữu của đại gia gỗ này.
Vào ngày 19/7, Công ty Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát (công ty con của Tập đoàn Vingroup - sở hữu 75%) đã công bố việc tạm dừng chuyển đổi khoản vay 1.201 tỷ đồng với 69,7 triệu cổ phiếu TTF để nâng sở hữu vì phát hiện một số sai lệch nghiêm trọng giữa một bên là số liệu mà đại gia này công bố cho nhà đầu tư và tình hình thực tế mà Tân Liên Phát nắm được.
Trước đó, Tân Liên Phát là cổ đông lớn của Gỗ Trường Thành với việc chi khoảng 1.800 tỷ đồng để mua 72 triệu cổ phiếu TTF, tương ứng sở hữu 49,9% vốn của Gỗ Trường Thành.
Giá cổ phiếu TTF vẫn chưa có có dấu hiệu ngừng rơi, từ 43.600 đồng về 17.300 đồng, Tân Liên Phát đã lỗ gần 600 tỷ đồng sau hơn 2 tháng trở thành cổ đông lớn tại đây. Thêm nữa, khoản vay trái phiếu chuyển đổi 1.202 tỷ đồng của Gỗ Trường Thành đã được Tân Liên Phát quyết định ngừng chuyển đổi thành cổ phần. Như vậy, Gỗ Trường Thành sẽ càng khó khăn hơn cũng như việc Tân Liên Phát khó thu hồi khoản đầu tư này.
Sau khi Tân Liên Phát trở thành cổ đông, Gỗ Trường Thành có nhiều biến động nhân sự, ông Võ Trường Thành từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc. Hai thành viên HĐQT là ông Phương Xuân Thuỵ - Trần Việt Anh bị miễn nhiệm. Nhiều lãnh đạo chủ chốt trong HĐQT, Ban kiểm soát, Ban tổng giám đốc tại Gỗ Trưởng Thành đã lần lượt bị miễn nhiệm và thay thế là các nhóm cổ đông mới. |
Ngoài bức xúc vì sự việc công bố lỗ bất ngờ, cổ phiếu rơi tự do, nhóm nhà đầu tư còn đặt ra nghi vấn về sự minh bạch của đơn vị kiểm toán. Từ 2011 đến 2015, tình hình tài chính của Gỗ Trường Thành được Công ty TNHH Kiểm toán DFK Việt Nam giám sát. Sự việc được phát giác khi đầu tháng 6, Gỗ Trường Thành đã thay đổi đơn vị kiểm toán mới và lựa chọn Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam.
Khi Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu nổi danh trên lĩnh vực gỗ và bất động sản, có một doanh nhân gốc Bình Định khác cũng âm thầm từng bước chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu trong ngành đồ gỗ xuất khẩu - ông Võ Trường Thành. Hiện ông Thành giữ chức Chủ tịch HĐQT của tập đoàn.
Gỗ Trường Thành được thành lập vào năm 1993, tiền thân là Xí nghiệp tư doanh chế biến gỗ Xuất khẩu Trường Thành tại Đắk Lắk. Công ty đã trải qua nhiều thăng trầm, có thời điểm khoản nợ ngắn lên tới nghìn tỷ đồng, công ty đứng bên bờ phá sản. Tuy nhiên, doanh nhân Võ Trường Thành đã từng bước tái cơ cấu, đưa doanh nghiệp ổn định trở lại. Đầu năm 2016, ông cho biết Gỗ Trường Thành đã bước qua "khe cửa hẹp", cổ phiếu đạt kỷ lục từ khi niêm yết.
Với những bê bối vừa xảy ra, có lẽ ông chủ của Gỗ Trường Thành sẽ phải đối mặt với nhiều gian truân phía trước.