Tối 23/7, Hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam cho gỡ một số tranh tại triển lãm Hồ Xuân Hương của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng và Nguyễn Nghiêm Nhan. Ông Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội - cho biết sau khi nhận phản ánh từ giới chuyên môn, dư luận, Hội lắng nghe, xem xét và quyết định gỡ những tác phẩm "bất ổn, không thể chấp nhận".
Ông Đoàn thừa nhận hội đồng nghệ thuật sơ suất trong quá trình duyệt tác phẩm. "Chúng tôi tôn trọng tự do sáng tạo của các họa sĩ, cả về quan niệm, không gây cản trở nên có chút sơ sẩy. Vẽ chân dung Hồ Xuân Hương khác mà tranh minh họa cho thơ của bà lại khác. Ví dụ tranh của Bùi Xuân Phái, cũng vẽ nữ sĩ yếm đào hớ hênh nhưng mang đến sự duyên dáng, không chút dung tục. Hội có trách nhiệm và tiếp thu ngay ý kiến dư luận. Chúng tôi sẽ cẩn trọng hơn những lần sau", ông nói.
Theo ông Đoàn, hiện hai họa sĩ quyết định dừng triển lãm. "Sự kiện chỉ kéo dài vài ngày, và nếu gỡ một số bức sẽ tạo thành khoảng trống trong không gian trưng bày, vì vậy, họ dừng luôn".
Hai tác giả chưa lên tiếng về sự việc. Trước đó, tại buổi khai mạc hôm 21/7, họa sĩ, đạo diễn Nguyễn Nghiêm Nhan nói: "Tôi diễn tả cõi mơ của Hồ xuân Hương. Đó là nỗi lòng, sự cô đơn, ôm ấp hoài niệm, là cá tính mạnh mẽ của bà". Trong khi đó, tranh của Nguyễn Quốc Thắng được giới thiệu lấy cảm hứng từ thơ, cái nhìn về Hồ Xuân Hương, họa sĩ thể hiện hình ảnh nữ sĩ khao khát tình yêu.
Họa sĩ, nhà giáo Nguyễn Tuấn Sơn cho biết khi tham quan triển lãm, anh thấy các tác phẩm không có nhiều điểm mới trong cách vẽ, hình ảnh nữ sĩ được khắc họa thô thiển, phản cảm như trong truyện tranh hentai (khiêu dâm) Nhật Bản. Một số bức nét vẽ như bôi màu, nguệch ngoạc không có giá trị thẩm mỹ.
Họa sĩ nói: "Tranh vô tình làm xấu đi hình ảnh Hồ Xuân Hương, trông như kỹ nữ hơn là ca ngợi hay thể hiện khát vọng tự do của phụ nữ. Hồ Xuân Hương và thơ của bà không phải như vậy. Mọi người khi vẽ phải tìm hiểu về nữ sĩ, phải nhìn vào góc độ bà sống ở thế kỷ 18, UNESCO công nhận bà là danh nhân văn hóa thế giới. Tôi hoạt động trong lĩnh vực giáo dục cho rằng khi đem tác phẩm đến công chúng, họa sĩ nên có trách nhiệm, nhất là với giới trẻ".
Sự kiện diễn ra tại Nhà triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam, 25 tác phẩm được vẽ bằng chất liệu acrylic với nhiều kích thước khác nhau.
Nguyễn Quốc Thắng sinh năm 1954 tại Hà Nội, là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ từng góp mặt trong nhiều triển lãm trong và ngoài nước như Giao mùa, Tranh và tượng, Xuân, Mở...
Nguyễn Nghiêm Nhan sinh năm 1962 tại Hà Nội. Ông được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2019. Họa sĩ từng tổ chức triển lãm Nhâm Dần hồi đầu năm.
Hồ Xuân Hương (1772-1822) được mệnh danh "Bà chúa thơ Nôm". Sáng tác của bà gắn liền phong cách đố tục giảng thanh, mượn những ẩn dụ táo bạo về tình dục để bộc lộ tiếng nói về bình đẳng giới, chống bất công... trong thời đại của bà. Một trong những bài thơ Nôm nổi tiếng nhất của bà là Bánh trôi nước. Trong cuốn Hồ Xuân Hương: Con người - Tư tưởng - Tác phẩm, tác giả Hoàng Bích Ngọc viết: "Hồ Xuân Hương yêu ngôn ngữ mẹ đẻ. Và chỉ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ thì nhà thơ mới có thể dùng để truyền bá tư tưởng của mình trong quảng đại quần chúng". Tháng 11/2021, UNESCO công nhận Hồ Xuân Hương là danh nhân văn hóa thế giới. Năm nay kỷ niệm 250 năm ngày sinh và 200 năm ngày mất của nữ thi sĩ.
Hiểu Nhân