![]() |
Khu tập thể Văn Chương sắp được phá đi xây mới. Ảnh: Anh Tuấn |
Với mục tiêu đến năm 2015, Hà Nội sẽ "xoá" toàn bộ nhà chung cư cũ, thành phố đưa ra giải pháp là xã hội hoá công tác cải tạo các khu chung cư này. Việc thực hiện phải đảm bảo được lợi ích 3 bên là thành phố, chủ đầu tư và người dân.
Các hộ dân đang sống tại khu vực dự án được tái định cư trong các căn hộ được cải thiện về diện tích và các điều kiện ở, cũng như mức độ tiện nghi. Các hộ đang thuê nhà của nhà nước sẽ được tiếp tục được thuê theo quy định, nếu có nhu cầu sẽ được mua nhà theo nghị định 61 phần diện tích cũ. Các căn hộ dôi ra trong toà nhà mới sau khi tái định cư, chủ đầu tư được kinh doanh để thu hồi vốn.
Hiện các chung cư cũ có tổng diện tích 1 triệu m2 sàn nhà ở, là nơi cư trú của hơn 27.500 hộ dân, 137.000 nhân khẩu.
Do điều kiện xây dựng hạn chế, thiếu kinh phí sửa chữa nên đa số các công trình nhà ở đang ở trong tình trạng xuống cấp, tiềm ẩn mối nguy hiểm cho người sử dụng. Ngoài ra, nhu cầu cải thiện điều kiện ở của người sử dụng tăng nhanh nên hầu hết các hộ dân tại các khu tập thể cũ đã tự cải tạo, cơi nới lấn chiếm diện tích làm thay đổi kết cấu của ngôi nhà, giảm tuổi thọ của công trình. Một điều tra mới đây trong 10 khu chung cư cho thấy, 80% dân cư mong mỏi thành phố cải tạo chung cư cũ |
Người dân có trách nhiệm ủng hộ chủ trương của thành phố, tham gia cùng chủ đầu tư và địa phương trong quá trình thực hiện dự án. Khi có hơn 2/3 số dân cư sống trong khu vực dự án đồng ý thì chủ đầu tư được phép triển khai. Các căn hộ được thiết kế với diện tích tối thiểu 50m2. Các diện tích tầng 1 của khu nhà ở mới sẽ không bố trí để ở, ưu tiên phục vụ các mục đích công cộng của cộng đồng và kinh doanh dịch vụ.
Thành phố sẽ dành một phần quỹ đất 20% hoặc quỹ nhà ở 50% tại các dự án khu đô thị mới để xây dựng quỹ nhà trung chuyển phục vụ việc cải tạo. Ngân sách thành phố cũng đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật và xã hội công ích, còn việc xây dựng nhà ở do doanh nghiệp đầu tư.
Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã khảo sát, nghiên cứu cải tạo các khu chung cư Thanh Xuân Bắc, Nguyễn Công Trứ, Văn Chương. Tuy nhiên, tiến độ triển khai dự án khá ì ạch. Theo ông Nguyễn Đăng Bình, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất, từ lâu nay, chưa có cơ chế rõ ràng cho cải tạo nhà chung cư nên các doanh nghiệp e ngại đầu tư, thậm chí có dự án vấp phải một vài ý kiến phản đối của người dân cũng không được triển khai. Hoặc nhà đầu tư chưa rõ được thành phố hỗ trợ những gì. Cơ chế mới sẽ khiến doanh nghiệp yên tâm hơn, và thu hút nhiều chủ đầu tư tham gia các dự án của thành phố.
Ông Bình cũng cho biết, với những khu tập thể đã được xây ốp, gia cố trước đây cũng vẫn nằm trong chương trình cải tạo. Tất cả các khu chung cư sẽ được rà soát, rồi lựa chọn thực hiện cuốn chiếu với từng toà nhà.
Ông Nguyễn Anh Việt, Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng, Công ty đầu tư xây dựng nhà số 2, cũng cho rằng, các dự án đầu tư nhà chung cư cũ thời gian qua khó triển khai do thiếu cơ chế. Chỉ đạo mới của thành phố khẳng định người dân phải thấy được lợi ích của cá nhân và cộng đồng gắn chặt với nhau. Nếu đặt lợi ích cá nhân lên trên cộng đồng thì không thể được.
Đoàn Loan