Thời gian mà cha mẹ chơi với con không cần nhiều, nhưng quan trọng, đó phải là những giây phút chất lượng và có ý nghĩa. Cha mẹ hãy tắt điện thoại, tivi, bỏ ngoài cửa mọi ưu phiền về công việc để tận hưởng khoảng thời gian hạnh phúc, vui vẻ khi chơi với con. Một số trò chơi dưới dây sẽ giúp cha mẹ bớt băn khoăn khi chọn trò chơi cùng con.
1. Trò 'từ đầu đến chân'
Một trong những trò chơi đơn giản mà hiệu quả là bố mẹ cùng bé khám phá các bộ phận trên cơ thể. Cha mẹ có thể chơi trò này lúc tắm cho bé hoặc cùng bé ngồi chơi trên sàn. Mẹ có thể vuốt ve mái tóc bé, thơm lên má bé, chạm vào tay bé, nắm chân bé, cọ mũi với bé… rồi gọi tên các bộ phận đó. Mẹ cần gọi tên chính xác và dành cho bé thời gian quan sát, nhận biết các bộ phận đó để ghi nhớ.

2. Cùng đọc truyện
Để bé có thể thực sự hòa mình vào câu chuyện, mẹ cần chọn chuyện có nội dung ngắn, phù hợp với độ tuổi và cá tính của bé, tốt nhất là truyện tranh với những minh họa đơn giản. Mẹ hãy đọc chuyện thật chậm rãi và thường xuyên hỏi bé các thông tin liên quan đến câu chuyện mà bạn vừa kể như tên của nhân vật trong truyện, các tình huống vừa diễn ra, màu sắc của một số chi tiết minh họa trong truyện… Bé sẽ không cảm thấy phiền hay chán nản nếu cha mẹ đọc đi đọc lại một câu chuyện, vì bé sẽ cảm thấy mình dần hiểu thêm câu chuyện và hứng thú khám phá hơn. Bố mẹ nên thường xuyên đọc sách để bé dần tiếp nhận nội dung và hứng thú khám phá cuộc sống xung quanh hơn
3. Chơi xếp hình
Các trò chơi xếp hình, xếp gỗ không chỉ giúp bé rèn luyện sự khéo léo của đôi tay mà còn rèn luyện trí thông minh và tính kiên nhẫn cho bé. Cha mẹ có thể cùng chơi với bé từng mức độ từ dễ đến khó nhưng đừng cố làm giúp bé khi chơi. Thay vào đó, người lớn hãy đưa ra các gợi ý, giải pháp để bé tự xử lý vấn đề của mình, đồng thời đừng quên dành cho bé những lời khen ngợi, khích lệ khi bé hoàn thành một "công trình" nào đó.
4. Nhảy múa theo điệu nhạc
Âm nhạc cũng là một hình thức thể hiện trí thông minh của bé. Ngay từ nhỏ, nếu bé được tiếp xúc thường xuyên với âm nhạc, sức khỏe thể chất và tinh thần của bé sẽ có sự khác biệt khi trưởng thành. Buổi sáng sau khi bé ngủ dậy hoặc những lúc cả nhà thư giãn, mẹ hãy bật những bản nhạc sôi nổi, có tiết tấu nhanh, rộn ràng và nhảy múa cùng bé.

5. Khám phá thiên nhiên
Đều đặn hằng ngày hoặc vào những ngày nhất định trong tuần, mẹ hãy đưa bé ra ngoài để khám phá thiên nhiên. Cha mẹ có thể cùng con chơi ở bãi cát, đi dạo trong công viên, sờ chạm vào cây cỏ, hoa lá hay nhặt đá sỏi… để giúp bé tiếp xúc với môi trường xung quanh và phát huy khả năng sáng tạo.
Song điều cần lưu ý là cha mẹ nên dựa vào cột mốc phát triển trí não của bé để cho con những bài học phù hợp. Não bộ của bé phát triển rất nhanh chóng trong những năm đầu đời. Đến 2 tuổi, não bộ của bé tương đương với 80% kích thước não của người trưởng thành. Vì vậy, các kỹ năng của bé cũng sẽ phát triển tương ứng. 12 tháng tuổi, bé có thể học cách sử dụng bút chì, 18 tháng tuổi bé sẽ bắt chước vẽ theo mẹ và đến khi 3 tuổi bé có thể tô màu, nhận diện màu sắc và vẽ theo ý mình.
Dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý và đúng theo nhu cầu phát triển của trẻ theo từng giai đoạn và theo khuyến nghị của các chuyên gia góp phần quan trọng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ. Trong đó, DHA là dưỡng chất quan trọng trong cấu trúc của não bộ, cần bổ sung cho bé trong giai đoạn phát triển này. Cha mẹ nên bổ sung hàm lượng DHA theo khuyến nghị của FAO/WHO là 75mg/DHA mỗi ngày cho trẻ. Ngoài ra, việc vui chơi cùng trẻ là cách mà cha mẹ cùng bé gắn kết nhiều hơn, giúp bé khám phá và hoàn thiện các kỹ năng của bé như kỹ năng ngôn ngữ, cách biểu hiện cảm xúc... Từ đó, bé sẽ tăng khả năng tập trung và ghi nhớ các câu chuyện để có cách vận dụng và xử lý linh hoạt ở mỗi tình huống.
Ngọc Bích