Hôm qua 5/5, phóng viên Sally Lockwood của Sky Sports đã bắt gặp Avram Glazer đang di chuyển khỏi căn biệt thự tại bờ biển Palm Beach, bang Florida, Mỹ.
Cô đã đưa ra những câu hỏi "Đây là cơ hội dành cho ông. Có lời xin lỗi nào không?", hay "Ông chỉ coi người hâm mộ là các khách hàng sao?". Lockwood cũng hỏi ông Avram về ý định bán Man Utd của nhà Glazers.
Tuy nhiên, ông chủ người Mỹ hoàn toàn im lặng và có động thái từ chối xin lỗi CĐV Man Utd. Avram Glazer sau đó vào siêu thị để mua đồ rồi nhanh chóng lái xe rời đi.
Động thái này của Avram hứa hẹn sẽ làm làn sóng phản đối nhà Glazer bùng lên dữ dội hơn nữa. Hôm 2/5, khoảng 10.000 CĐV vây kín sân Old Trafford và vi phạm các quy tắc an ninh. Hàng trăm người thậm chí đã tràn vào sân và tiếp tục biểu tình.
"Nhà Glazers hãy cút đi", hay "Đủ rồi nhé"... là nội dung trên nhiều băng-rôn mà các CĐV Man Utd trưng ra khi biểu tình. Bom khói và cả cờ Mỹ cũng được đốt lên để thể hiện sự tức giận. Một số CĐV cầm những con rắn màu vàng và xanh lá cây, màu tượng trưng cho phong trào chống lại nhà Glazer. Do ban tổ chức không kiểm soát được tình hình, trận đấu giữa Man Utd và Liverpool ở vòng 34 Ngoại hạng Anh phải dời lịch sang ngày 13/5.
CĐV Man Utd phẫn nộ khi nhà Glazer ký thỏa thuận dự Super League tháng trước. Dù đội chủ sân Old Trafford ngay lập tức rút khỏi giải đấu và ra thông báo xin lỗi CĐV, người hâm mộ "Quỷ Đỏ" vẫn phản ứng dữ dội.
Vụ bạo loạn tại Old Trafford có thể khiến Man Utd bị trừ điểm hay phạt tiền. Theo điều K13 trong cẩm nang Ngoại hạng Anh, CLB có trách nhiệm phải kiểm soát các điểm ra vào sân, khu vực đậu xe và lối vào của cầu thủ. Điều K14 quy định CLB phải đảm bảo an toàn cho cầu thủ, Ban tổ chức trận đấu cũng như môi trường thi đấu.
Hồng Duy tổng hợp