Vừa sinh con, chị Trang ở Hà Nội rất vui mừng nhưng cũng thoáng chút lo lắng. Tuần đầu tiên, chị mệt mỏi, đau ê ẩm vì vết khâu, mỗi lần ngồi dậy để cho con bú, chị cảm thấy khó chịu vô cùng. Trong khi đó, em bé còn yếu, chưa biết cách bú mẹ ngay nên hai mẹ con loay hoay khổ sở mãi vẫn không có kết quả. Chồng chị cũng phải vất vả nâng đỡ bé rồi kê nệm kê gối để chị ngồi đỡ mỏi lưng. Sau tuần đầu, hai mẹ con mới quen với việc "tu ti". Giờ đây, mỗi lần ôm con cho bé bú, thấy mắt con tròn xoe đen láy nhìn mẹ trong lúc miệng vẫn ngậm ti, chị lại trào lên một niềm hạnh phúc khó tả.
Khi mới sinh, thai phụ thường đau đớn và mệt mỏi. Lúc đó, chị em rất cần sự giúp đỡ của người thân để nuôi bé bằng sữa mẹ thành công. Đó cũng là lý do khiến tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ năm 2013 có chủ đề là: "Chung tay hỗ trợ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ" nhận được sự đồng thuận rất lớn của cộng đồng. Tại Việt Nam, hoạt động hưởng ứng tuần lễ còn được các tổ chức UNICEF, WHO và dự án Alive&Thrive hỗ trợ tích cực.
Chương trình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ các bà mẹ trong việc nuôi con bằng sữa mẹ. Đó là sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè và xã hội, trong đó vai trò người chồng là quan trọng hơn cả. Các ông xã có thể hỗ trợ vợ nuôi con bằng sữa mẹ trong các hoạt động sau:
- Đưa vợ đi khám và đi đẻ: cùng vợ đi khám thai định kỳ, tham gia những buổi tư vấn để biết trước cách giải quyết khi người mẹ gặp khó khăn cho con bú (tắc tia sữa, nứt kẽ núm vú, con không ngậm vú…).
- Chăm sóc sức khỏe vợ: Chăm vợ ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ, không làm việc nặng. Khi mẹ và em bé về nhà, người chồng, người cha cần chuẩn bị phòng sạch sẽ, yên tĩnh, nhiệt độ dễ chịu để người vợ không căng thẳng và lo lắng - những yếu tố dẫn dễ gây mất sữa.
- Giúp vợ cho con bú ngay sau khi sinh: Mẹ nên cho con bú càng sớm càng tốt, cần thực hiện trong vòng một giờ sau khi sinh, không nên thay sữa non của mẹ bằng nước đường hoặc sữa non hộp. Lúc mới sinh, sữa non của mẹ có thể ra ít và loãng nhưng đủ cả về số lượng và chất dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh. Vài giọt sữa non của mẹ có rất nhiều kháng thể cho trẻ.
- Động viên vợ cho con bú thường xuyên: Người chồng cần cố gắng kiên nhẫn động viên vợ cho con bú thường xuyên. Con càng bú nhiều, sữa mẹ càng tiết ra nhiều.
- Giúp vợ cho con bú: dành chỗ ngồi dựa lưng hoặc chỗ nằm rộng rãi để vợ ngồi hoặc nằm thoải mái cho con bú, giúp vợ cho con bú đúng cách. Lấy nước hoặc đồ ăn nhẹ cho vợ để thai phụ lấy sức và có sữa nhiều hơn.
- Chia sẻ công việc nhà với vợ như đi chợ, nấu ăn, giặt giũ… để vợ có sức khỏe và toàn tâm chăm sóc con, không bị mất sữa.
- Người chồng cũng có thể thuyết phục bố, mẹ và các thành viên trong gia đình hỗ trợ vợ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
Sữa mẹ giúp trẻ chống lại bệnh tật, đồng thời tăng cường sức khỏe và thúc đẩy sự tăng trưởng tối ưu của trẻ. Sữa bột không có đủ các yếu tố cần thiết có trong sữa mẹ gồm các kháng thể và hoạt chất sinh học khác giúp bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật.
Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy sữa mẹ là duy nhất và được sản sinh để đáp ứng nhu cầu của trẻ. Khi bé lớn lên, các thành phần của sữa mẹ cũng thay đổi để đáp ứng nhu cầu của trẻ đang lớn, điều mà các sản phẩm thay thế sữa mẹ không có được. Những trẻ được bú mẹ sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm và mắc các bệnh như tiêu chảy, viêm phổi, hen suyễn, nhiễm trùng tai, nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Hơn nữa, trẻ không được bú mẹ còn có nguy cơ béo phì, đái tháo đường loại I và loại II cũng như bệnh cao huyết áp và tim mạch. Sữa mẹ giúp cải thiện sự tăng trưởng, phát triển, kết quả học tập và thậm chí cả khả năng thu nhập của trẻ trong tương lai. Trẻ bú mẹ càng lâu thì càng có khả năng phát triển trí tuệ cao hơn. Điều này được thể hiện qua những kỹ năng vận động, kỹ năng ngôn ngữ và khả năng nhận thức hoàn thiện hơn.
Thông điệp của tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ 2013:
1. Cho trẻ bú mẹ sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh. |
Ngọc Bích