Theo SCMP, đại sứ quán Philippines biết tới số phận của Abby Luna, 28 tuổi, sau khi cô đăng video cầu cứu lên trang cá nhân. Luna khẳng định bị con trai chủ nhà ở Bahrain, quốc đảo tại vịnh Ba Tư, cưỡng hiếp và đánh đập. Video nhanh chóng thu hút khoảng 78.000 lượt chia sẻ và 19.000 lượt like.
Charles Jose, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, cho biết: "Nhờ có đoạn video mà chúng tôi có thể giải cứu Luna. Cô ấy hiện được nhân viên sứ quán chăm sóc".
Nhân viên từ sứ quán và văn phòng giới thiệu việc làm của Luna đón cô về từ nhà chủ. Cảnh sát đang điều tra sự việc. Ông Ricky Aragon, phó lãnh sự của đại sứ quán Philippines tại Bahrain, cho hay người bị Luna tố cáo bác bỏ đã tấn công cô.
Trong video dài ba phút được thực hiện qua webcam, Luna khóc nức nở khi tố cáo người con trai nghiện ngập của chủ nhà đã làm nhục cô. Luna cũng cầu xin người xem liên hệ với đại sứ quán Philippines giúp mình.
"Hãy giúp tôi ra khỏi đây. Tôi rất sợ. Bộ phận sinh dục của tôi vẫn còn đau. Chân tôi bị thâm tím. Anh ta đánh vào chân để tôi không đi lại được", Luna kể. "Sau khi lạm dụng tôi, con trai chủ nhà còn đe dọa giết và chôn tôi trên sa mạc nếu tôi tiết lộ chuyện này ra ngoài".
Luna làm giúp việc ở Bahrain trong một năm qua. Theo Luna, nhà chủ không tin cô bị cưỡng hiếp và đánh đập. Họ yêu cầu cô phải làm nốt hai tháng còn lại trong hợp đồng trước khi về nước và bảo cô phá thai nếu mang bầu.
Luna là một trong khoảng 10 triệu người Philippines đang làm việc ở nước ngoài với mong muốn thoát khỏi tình trạng đói nghèo và thất nghiệp cao trong nước. Số lao động Philippines làm việc ở nước ngoài chiếm 1/10 dân số 100 triệu người của quốc gia này. Họ chủ yếu là lao động chân tay và phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm.
Năm ngoái, một người giúp việc Philippines tên là Nargelene Mendez được giải cứu từ nhà chủ ở Arab Saudi sau khi đăng video lên Facebook, khẳng định bị nhà chủ lạm dụng. Tại Hong Kong, Erwiana Sulistyaningsih, giúp việc đến từ Indonesia, cũng tố cáo bị chủ nhà hành hạ thể xác suốt 6 tháng. Erwiana, 23 tuổi, phải vào Bệnh viện Hồi giáo Amal Sehat điều trị sau khi về nước.
Những bức ảnh chụp vết thương của cô nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội, dẫn tới một cuộc biểu tình của hàng nghìn người ở quận trung tâm của Hong Kong. Cảnh sát bắt giữ bà chủ cũ của Erwiana hồi tháng 1/2014 sau khi bà ta định trốn sang Thái Lan. Người này bị kết án 6 năm tù và phải nộp phạt gần 2.000 USD.
Người giúp việc tại Trung Đông cũng thường xuyên bị bạo hành. Tổ chức Nhân quyền kêu gọi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất thay đổi hệ thống visa hạn chế hiện nay và thông qua một điều luật lao động để người giúp việc không bị bóc lột.
Bình Minh