Người Việt định nghĩa Tết là ngày đoàn viên, đoàn tụ gia đình. Dù làm gì và ở đâu, mọi người cũng cố gắng trở về với gia đình, với ông bà tiên tổ ngày Tết. Thế nhưng, đâu đó vẫn có nhiều trường hợp phải bươn chải nơi đất khách, đau đáu nhớ quê mà không thể trở về sum họp bởi họ không đủ tiền mua vé.
Tặng vé cho người nghèo về quê ăn Tết là việc nhiều doanh nghiệp đã làm, trong đó có hoạt động từ nhiều năm nay của nhãn hàng OMO. Dịp xuân Ất Mùi vừa qua, “Vé tết đoàn viên” đã biến việc làm quen thuộc ấy thành chuyện cổ tích và trao phép màu nhiệm cho con trẻ. Chương trình có mặt tại nhiều trường tiểu học trên toàn quốc, phát động 30.000 trẻ em tại 60 trường tiểu học trên cả nước giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn đón Tết bằng cách tặng họ một tấm vé về quê. Các em tuy còn nhỏ, không có tiền nhưng cũng không xin tiền bố mẹ hay để phụ huynh phải gánh đỡ thêm một khoản kinh phí.

Tấm vé tết đoàn viên là tình cảm yêu thương, sẻ chia của các bé tiểu học.
Vì không có tiền mua vé nên trẻ vẽ ra những chiếc vé theo trí tưởng tượng và mơ ước về gia đình, ngày Tết và hạnh phúc sum họp... Cứ thế, những chiếc vé đầy tràn lòng yêu thương được hình thành từ trí sáng tạo phong phú và tâm hồn trẻ thơ được gửi đến các cô chú có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, phải bươn chải mưu sinh hàng ngày.
5.000 tấm “Vé Tết đoàn viên” đẹp nhất, ý nghĩa nhất đã được chuyển thành vé thật, tặng 5.000 người có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi tấm vé mang một vẻ đẹp riêng biệt với những câu chuyện, hình ảnh khác nhau, chất chứa mong ước ngây thơ của con trẻ là mong cô chú được ăn Tết ngon, về quê thật vui và các bạn nhỏ cũng được ở bên bố mẹ. Tình cảm ấy đã biến những tấm vé vẽ này thành phép nhiệm màu.

Tấm vé Tết đoàn viên do bé Nguyễn Huyền Linh tự tay vẽ.
Tôi không thể giấu được sự cảm kích khi chương trình “Vé Tết đoàn viên” kéo trẻ nhỏ vào cuộc chơi yêu thương, cùng sáng tạo những câu chuyện cổ tích hiện đại. Phải là những ông bố, bà mẹ rất yêu thương, hiểu tâm lý và đặc biệt có kinh nghiệm trong việc giáo dục con trẻ mới có thể dạy con cách sẻ chia và yêu thương mọi người xung quanh, trong dịp Tết cổ truyền đặc biệt.
Tết đến, chúng ta dạy con trẻ về giá trị của gia đình, giá trị của tình thân và sự sum họp. Còn gì ý nghĩa hơn khi cho con trẻ cùng sẻ chia sự sum họp đó với những người khó khăn hơn. Dạy con cách quan tâm đến người khác cũng là cách để dạy con trân trọng hơn những gì con đang có hàng ngày.
Cuộc sống thường ngày trong đời sống bụi bặm của chúng ta là thế, nhưng cũng có những trang cổ tích tuyệt vời. Ngoài trang cổ tích “Vé Tết đoàn viên”, còn rất nhiều những trang cổ tích có thật đang diễn ra trên khắp thế gian. Nhờ bầu khí quyển trong lành ấy mà trái đất vẫn quay, chim vẫn hót, hoa vẫn nở và Tết vẫn về…
Trần Đăng Khoa