Có những cháu quấy khóc dai dẳng, cha mẹ dỗ dành hoài mà vẫn không nín, nhiều khi lo lắng đến "nổi cáu" với trẻ. Với những bé này, người lớn phải bình tĩnh tìm hiểu kỹ lý do tại sao khóc. Nếu cần thiết nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Tại sao bé khóc quấy?
- Trẻ đói: Khi bé khóc, điều quan tâm đầu tiên là cha mẹ nên xác định trẻ có bị đói không? Thức ăn không làm bé ngưng khóc ngay. Do đó cho ăn từ từ đến no, trẻ sẽ hết quấy khóc.
- Tã lót bị ướt hoặc dơ: Một số bé sẽ khóc khi tã lót bị dơ gây khó chịu. Do đó, cần chú ý thay tã lót cho bé để luôn được sạch sẽ, khô ráo, vì trẻ con thích sự ấm áp và thoải mái.
- Nhiệt độ môi trường quá lạnh hoặc quá nóng: Trẻ thích được ủ ấm (như là quy luật lúc nằm trong bụng mẹ). Khi cảm thấy lạnh, bé sẽ khóc và ngưng khóc nếu được thay tã và ủ ấm. Ngược lại, quấn nhiều đồ cho trẻ dễ gây sự nóng bức, bé cũng dễ quấy khóc. Tùy theo điều kiện thời tiết, bạn sẽ mặc quần áo ấm cho trẻ một cách thích hợp nhất.
- Trẻ đòi bế: Bé thích được nâng niu, ôm ấp, nhìn mặt cha mẹ, lắng nghe giọng nói, nhịp tim của mẹ thậm chí thích mùi của mẹ (đặc biệt mùi sữa mẹ). Sau khi ăn và ợ hơi, bé thích được mẹ bồng. Nhu cầu này thường chỉ xảy ra trong vài tháng đầu đời của cuộc sống trẻ thơ.
- Trẻ bị quá tải hoạt động: Bé quấy khóc lâu hơn bình thường sau khi đi nghỉ mát với nhiều thành viên trong gia đình. Có lẽ trẻ đã nhận quá nhiều kích thích từ bên ngoài như ánh sáng, tiếng ồn, nhiều người bồng bế, nựng nịu... nên bé bị quá tải với nhiều hoạt động. Nên giữ yên trẻ ở nơi yên tĩnh, không khí thoáng mát hoặc ru cho bé nằm ngủ.
- Trẻ không được khỏe: Bé quấy khóc, càu nhàu, phụ huynh nên kiểm tra xem trẻ có khỏe không? Xác định xem thân nhiệt của bé bình thường hoặc đang bị sốt, tiếng khóc của bé bệnh khác với tiếng khóc lúc bình thường. Trẻ khóc thét có thể đau bụng (lồng ruột), có thể nhức đầu (viêm màng não) hoặc cơn khóc dạ đề (khóc đêm) do hạ calci máu. Đôi khi trẻ khóc do côn trùng cắn (kiến, bọ chét, muỗi đốt). Cần khẩn trương đưa bé đi bác sĩ để được chữa trị kịp thời.
- Trẻ khóc do nguyên nhân khác: Thường gặp là cơn khóc co thắt (colic) được định nghĩa là khóc không dỗ được nhất 3 giờ một ngày và ít nhất 3 ngày một tuần.
Một số phương cách giúp trẻ bớt quấy khóc
Lưu ý khi áp dụng bất cứ phương cách dỗ trẻ nào, cha mẹ nên duy trì phương cách đó cố định trong vài ngày trước khi đổi sang một cách dỗ khác. Điều quan trọng nhất, phụ huynh cần xác định rõ phương pháp nào thích hợp có thể áp dụng cho đứa con thương yêu của mình.
- Di chuyển trẻ: Có thể đung đưa bé nhè nhẹ trên tay, bế đi vòng quanh nhà, hoặc cho ngồi an toàn trong xe rồi chở đi chơi.
- Thay tã lót cho trẻ khi cần: Giữ cơ thể bé luôn được vệ sinh sạch sẽ, nhất là khi "tè" ướt tã lót hoặc quần áo bị ẩm ướt. Làn da được thoáng mát sẽ làm trẻ luôn cảm thấy dễ chịu thoải mái và ít quấy khóc.
- Vuốt ve mơn trớn trẻ: Thử vỗ về, ôm ấp trẻ, bế bé áp sát vào cơ thể bạn, xoa bóp cho trẻ, hoặc quấn bé vào chăn ấm.
- Cho bé bú: Cho trẻ bú thêm một cữ sữa nữa hoặc cho bú mẹ thêm. Cũng có thể cho bé uống thêm nước, hoặc thay đổi núm vú bình sữa, giúp trẻ quên đi cơn khóc.
- Tạo một kích thích làm nền: Chẳng hạn cho trẻ nghe âm thanh đều đều, êm dịu (như tiếng kêu nhè nhẹ của máy lạnh, tiếng mưa rơi đều đều...), hoặc tiếng mẹ ru con dập dìu, hay một bản nhạc êm dịu nào đó.
- Đưa món đồ chơi mà bé rất thích: Chẳng hạn cho trẻ ôm chú gấu bông mềm mại, chiếc gối ôm yêu thích, hay cho ngậm núm vú giả (chỉ ngậm tạm thời thôi), hoặc cho trẻ tắm nước ấm cũng là những cách giúp thư giãn.
- Trò chuyện với trẻ: Khi bé khóc, hãy tìm cách làm bé xao lãng cơn khóc, trấn an hoặc chỉ cần bế trẻ lên rồi thủ thỉ cùng, giúp trẻ trấn tĩnh lại. Sau khi dỗ dành đủ cách mà bé vẫn không bớt quấy khóc, phụ huynh nên cho trẻ đi khám bác sĩ để xác định rõ nguyên nhân làm cháu quấy khóc và chọn lựa cách trị liệu phù hợp nhất.
Theo Bệnh viện Nhi Đồng 1