Vợ chồng bà Nguyễn Thị The, cùng 58 tuổi, sống ở phường 16 (quận 8) mưu sinh bằng nghề bán vé số nhiều năm qua. Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, cả hai đều thất nghiệp, quanh quẩn trong nhà trọ chật chội 10 m2, tường vách lợp tôn, nóng bức. Gia đình bà được chính quyền giúp đỡ ở cả 3 gói hỗ trợ nhưng suốt 4 tháng "chỉ ăn mà không làm khiến vốn liếng cụt hết".
Đầu tháng 10, cả gia đình bà The gồm 3 người bị nhiễm Covid-19 phải nhập viện điều trị. Vừa hoàn thành cách ly tại nhà 14 ngày, nỗi lo mưu sinh lại ập đến. Bà nói bản thân đã hết bệnh, thành phố cho người dân đi lại làm ăn mà trong nhà không còn đồng nào để lấy vé số bán.
"Tôi chỉ cần 2 triệu đồng để làm vốn", bà The nói. Với số tiền này, vợ chồng bà lấy được 200 tờ vé số, nếu bán hết trong ngày, tiền lời đủ xoay xở cá mắm, điện nước, "dư chút đỉnh bỏ ống heo". Trước đây mỗi khi túng thiếu, bà hay tìm đến "tín dụng đen", vay một triệu đồng mỗi tháng trả lãi 150.000 đồng. Lãi suất quá cao, tiền lời bán vé số không đủ xoay xở nên nợ chồng nợ. Hiện, gia đình vẫn còn khoản nợ 3 triệu đồng chưa biết kiếm nguồn ở đâu để trả.
Qua giới thiệu của tổ trưởng dân phố, bà The liên hệ Tổ chức tài chính vi mô CEP, chi nhánh quận 8 (trực thuộc Liên đoàn lao động TP HCM). Bà được tư vấn nên vay 5 triệu đồng theo gói mới nhất giúp người từng là F0 với lãi suất mỗi tháng 0,15%, tức vay một triệu đồng sẽ trả lãi 1.500 đồng. Số vốn mới giúp bà trả khoản nợ cũ, song vẫn còn tiền để lấy vé số bán trở lại.
Gia đình bà The là một trong hơn 40.600 khách hàng được CEP giúp vốn để quay lại làm ăn sau khi thành phố "mở cửa" với tổng số tiền gần 920 tỷ đồng. Ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó giám đốc CEP cho biết qua khảo sát, nhiều người nghèo, lao động có nhu cầu vay vốn sau khi Covid-19 được kiểm soát. Những người bán vé số, thu gom phế liệu, bán chè, cà phê, bánh bao... gần như không có tài sản thế chấp. Nếu không được hỗ trợ, họ sẽ dễ tìm đến "tín dụng đen", lãi suất rất cao.
Theo ông Đạt, CEP có thể cho vay những khoản siêu nhỏ, từ một triệu đồng đến tối đa 100 triệu đồng. Tùy vào công việc và thu nhập, người lao động có thể trả dần nợ gốc và lãi hàng tuần, 15 ngày hoặc hàng tháng. CEP có mạng lưới rộng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nên việc vay vốn không cần thế chấp hay bất cứ điều kiện nào khác.
Mô hình hỗ trợ vốn lãi suất thấp cũng được Hội Liên hiệp phụ nữ TP HCM triển khai sau khi dịch ở thành phố giảm. Nhờ vốn vay từ hội phụ nữ, quán ăn của chị Huỳnh Thị Tư, 42 tuổi, ở xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi) mở cửa đón khách sau hơn 4 tháng nghỉ dịch.
Là mẹ đơn thân, chị Tư còn chăm sóc mẹ và bà ngoại hơn 90 tuổi. Suốt thời gian thành phố giãn cách, quán của chị phải đóng cửa, cả nhà đã tiêu đến đồng vốn cuối cùng. Khi Covid-19 giảm, nhiều người cần vốn vay ngoài xã hội tiền lãi 20% mỗi tháng. Trước đây, không có tài sản thế chấp nên mỗi khi cần vốn chị Tư phải tìm đến "tín dụng đen", tiền lời bán buôn không đủ trả lãi.
"Đang rối bời, tôi được giúp đỡ", chị Tư chia sẻ. Hơn tháng trước, cán bộ phụ nữ xã thông báo lên nhóm chat online về quỹ trợ vốn của Hội Liên hiệp phụ nữ TP HCM với lãi suất thấp, thủ tục vay đơn giản nên chị mạnh dạn đăng ký. Sau nửa tháng làm hồ sơ, chị Tư được cấp 50 triệu đồng, tiền lãi mỗi tháng 325.000 đồng. Có tiền, chị mở lại quán, bán cả sáng, chiều.
Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP HCM cho biết Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của hội có khoảng 170 tỷ đồng, đang giải quyết nhu cầu vốn cho 12.000 thành viên. Tất cả hợp đồng vay đều tín chấp, lãi suất mỗi tháng 0,65%, tức vay một triệu đồng tiền lãi mỗi tháng 6.500 đồng. Cá nhân được vay tối đa 50 triệu đồng, trả gốc và lãi theo tuần hoặc tháng.
Sau khi thành phố nới lỏng các biện pháp giãn cách, quỹ đẩy mạnh trao vốn cho thành viên để phục hồi kinh tế gia đình. Hơn một tháng qua, mỗi tuần quỹ giải ngân 8-10 tỷ đồng. Thành viên muốn vay sẽ được chi hội phụ nữ ở cơ sở hướng dẫn hồ sơ, trong vòng 15 ngày sẽ được cấp vốn.
Theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng, để giúp đỡ người dân có vốn làm ăn sau khi thành phố "mở cửa", ngoài CEP và quỹ của hội phụ nữ, thành phố còn nhiều kênh tiếp cận nguồn vốn khác như hội liên hiệp thanh niên, hệ thống ngân hàng chính sách xã hội quận, huyện. Những mô hình này giúp người nghèo sớm ổn định cuộc sống sau khi dịch được kiểm soát và thành phố ổn định tình hình xã hội.
Sau 4 tháng siết chặt giãn xã hội, ngày 1/10 TP HCM thực hiện Chỉ thị 18 tiếp tục kiểm soát, phòng chống Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội. Trừ một số ngành nghề dễ lây lan dịch như vũ trường, quán bar, rạp chiếu phim, karaoke... nhiều dịch vụ được hoạt động. Sau một tháng "mở cửa", cuộc sống người dân trở về trạng thái "bình thường mới", quay trở lại với công việc, dù dịch được đánh giá còn nguy cơ.
Lê Tuyết