Đọc đa cấp độ là phương pháp uy tín và được sử dụng phổ biến ở những nền giáo dục tiên tiến, hiện áp dụng ở trên 170.000 trường học tại 155 quốc gia, giành được nhiều giải thưởng quốc tế về giáo dục.
Phương pháp này trang bị cho các bé nguồn kiến thức cũng như kỹ năng tư duy thiết yếu nhất để có thể trở thành người điều khiển thiện nghệ “bộ máy trí tuệ” của mình. Nhờ vậy, bé sẽ học tốt hơn ở trường, biết cách tư duy và diễn đạt lưu loát, đồng thời trở thành một người có vốn hiểu biết dồi dào và tâm hồn giàu tình cảm.
Phương pháp đọc đa cấp độ bao gồm ba thành phần chính là bài đọc/sách, bài tập tư duy và làm giàu vốn hiểu biết. Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương, Giám đốc trường Ngoại khóa Tomato cho biết, nghe tên gọi thì có vẻ phức tạp nhưng phương pháp này rất đơn giản và cha mẹ có thể áp dụng để tự hướng dẫn con ở nhà.
Để áp dụng phương pháp đọc đa cấp độ, trước hết cha mẹ cần khơi gợi hứng thú đọc và tìm hiểu thông tin vốn có sẵn trong mỗi trẻ em bằng việc chọn sách phù hợp với trẻ. Khi chọn sách cho con, cha mẹ nên chú ý đến độ tuổi. Nếu là trẻ mầm non, mới hình thành kỹ năng lật sách, chưa biết đọc, cha mẹ nên chọn những cuốn sách chủ yếu là hình ảnh, chữ ít (chỉ nên là những câu ngắn, một vài chữ) để trẻ tập làm quen với chữ.
Nếu trẻ lớp 1, lớp 2 đã biết đọc, cha mẹ chọn những cuốn sách có hình ảnh kèm theo nhưng phần câu từ sẽ dài hơn. Trẻ càng lớn tuổi thì sách dành cho trẻ càng có thể nhiều chữ hơn.
Để rèn thói quen thích đọc cho trẻ, cha mẹ cũng cần xem xét bé có xu hướng là người đọc hay là người nghe. Nếu bé là người đọc (thích tự mình đọc) thì cha mẹ có thể để bé tự đọc. Nếu bé thuộc dạng người nghe (tức là thích nói chuyện hơn đọc, thích nghe người khác kể lại) thì ban đầu cha mẹ nên đọc cho bé nghe, sau đó dần dần để bé tự đọc.
Để bé thích đọc, cha mẹ cũng nên chú ý đến những đề tài hấp dẫn bé. Thạc sĩ Uyên Phương nhận xét, thường khi mua sách cho con, các cha mẹ hay chọn những sách về đạo đức, kỹ năng sống, truyện cổ tích. Tuy nhiên, đôi khi đó không phải là những đề tài trẻ hứng thú. Tâm lý của trẻ nhỏ thích khám phá về bản thân mình, thế giới xung quanh, loài vật xung quanh mình. Bé 6-7 tuổi mới sẵn sàng những bài học về đạo đức. Nếu chọn những đề tài đạo đức sớm quá, bé sẽ cảm thấy nặng nề và không thích.
Trẻ đã đọc sách, vậy làm thế nào để giúp bé tiếp thu và xử lý thông tin thu được? Cha mẹ có thể đặt những câu hỏi để kiểm tra bé thu được những gì sau bài đọc. Ví dụ, khi đọc truyện Ba chú Heo con, cha mẹ có thể hỏi: Nhà của chú Heo thứ nhất bằng gì, chú Heo thứ hai bằng gì...
Đặc biệt, cha mẹ có thể hướng dẫn con sử dụng những công cụ tư duy sinh động, phù hợp với cách tiếp thu và xử lý thông tin của trẻ nhỏ. Ở tuổi mầm non và tiểu học, trẻ chưa có tư duy trừu tượng, não của trẻ con dễ thích ứng với những gì trực quan, sinh động, nên sơ đồ tư duy rất phù hợp. Trung tâm sơ đồ là chủ đề của bài đọc, các nhánh lớn là ý chính, các nhánh nhỏ là ý phụ.
Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể dạy bé sơ đồ bông hoa (thường dùng để tóm tắt): Nhị hoa là chủ đề, mỗi cánh là một phần khác nhau, ví dụ cánh hoa nhân vật, cánh hoa các sự kiện, cánh hoa thời gian...
Sơ đồ cái nĩa: Khi bé chỉ cần phân biệt đâu là ý chính và ý phụ.
Sơ đồ đám mây: Khi bé cần phân biệt giữa đâu là thông tin thực tế và thông tin hư cấu.
Rồi sơ đồ xương cá, cây… cũng rất hữu ích để tóm tắt những gì bé đã đọc.
Cuối cùng, cha mẹ có thể khuyến khích các em tự nối tiếp bài học bằng các hoạt động ứng dụng/khám phá bên ngoài: Ví dụ đóng vai các nhân vật để kể lại câu chuyện, vẽ lại câu chuyện đã học, sáng tạo các mô hình...
Chị Uyên Phương dẫn chứng, trong một lớp tốt nghiệp Mind Map, khả năng tư duy của trẻ con tốt đến mức khi cô giáo yêu cầu các bé vẽ lại bản đồ tư duy theo trí tưởng tượng của mình, có bé nhận thấy bản đồ giống sao biển, có bé thấy giống mạng nhện, thấy giống con cua, con bạch tuộc... Thực tế, sức sáng tạo và ghi nhớ của trẻ em tốt hơn người lớn. Dùng hình ảnh để giúp các bé ghi nhớ và tư duy, các bé sẽ áp dụng rất hiệu quả và sáng tạo.
Giáo sư Edward de Bono, nhà khoa học bậc thầy về tư duy, tác giả của cuốn sách nổi tiếng "Sáu chiếc nón tư duy" từng ví von rằng: “Nếu trí thông minh là máy của chiếc xe hơi và kiến thức là nhiên liệu thì kỹ năng tư duy được ví như kỹ năng lái xe. Nếu bạn có sẵn xe xịn (trí thông minh), xe đã được đổ đầy xăng (kiến thức) nhưng thiếu kỹ năng lái xe (kỹ năng tư duy) thì khó có thể trở thành tay đua huyền thoại. Vì thế, chỉ có người có khả năng tư duy tốt thì mới khai thác hết tài sản quý giá của mình. Đó là trí thông minh".
Kim Kim