1. Lên kế hoạch học tập
Bạn nên khuyến khích con rà soát bài tập, môn học cần hoàn thành và phân chia thời gian hợp lý. Chẳng hạn với những môn học thuộc nên sắp xếp học buổi sáng hoặc môn cần tập trung suy nghĩ nên xếp vào thời gian yên tĩnh.
Hãy động viên con lên kế hoạch từng tuần và theo sát để đảm bảo các hoạt động được thực hiện trôi chảy. Nếu sắp xếp kế hoạch dài hơi như theo nửa tháng, một tháng, trẻ nên tạo một số thói quen học nhất định để giữ nếp học tập. Chẳng hạn học một môn vào cùng khoảng thời gian nhất định mỗi ngày.
Bạn nên hướng dẫn con chia nhỏ bài tập các môn theo ngày, không nên dồn một môn làm trong nhiều ngày. Ví dụ từ thứ hai đến thứ năm học toán, từ thứ sáu đến chủ nhật học văn sẽ không hiệu quả bằng việc sáng học văn, chiều học toán. Hãy treo bảng kế hoạch ở nơi dễ nhìn để phụ huynh và học sinh có thể cùng nhau theo sát lịch trình đã vạch sẵn.
2. Bài tập dễ để cuối cùng
Khi ngồi vào bàn học vào những ngày nghỉ đầu tiên hoặc vào buổi sáng, các em thường chọn bài tập dễ làm trước. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra khoảng thời gian khởi đầu của các nhiệm vụ, con người sẽ tràn đầy năng lượng, tinh thần. Vì vậy, học sinh nên giải quyết các bài tập "khó nhằn" trước, tránh làm chúng khi tinh thần uể oải hoặc cơ thể mệt mỏi.
Sau khi vật lộn với những bài tập khó, trẻ em có thể làm những bài tập dễ dàng với ít sự căng thẳng hơn, trong thời gian ngắn hơn.
3. Giúp đỡ con
Con có tinh thần tự giác, tự giải quyết vấn đề cá nhân là tốt, tuy nhiên phụ huynh không nên phớt lờ việc học tập của con. Trước khi con làm bài tập, phụ huynh hãy động viên "Khi con gặp bài tập khó đến mức không thể làm được, bố mẹ sẵn lòng giúp đỡ con". Sự ủng hộ này làm giảm nhẹ tâm lý căng thẳng của trẻ khi đối mặt với các bài tập khó.
Nếu con hỏi bài, bố mẹ nên hướng dẫn chứ không làm hộ. Mức độ hướng dẫn tùy thuộc vào độ khó của bài tập. Ví dụ, bài không quá khó, bố mẹ chỉ nên hướng dẫn một vài bước cơ bản hoặc chỉ gỡ rối phần khúc mắc.
Ngoài bố mẹ, trẻ em có thể tìm sự giúp đỡ từ ông bà, người thân như kiểm tra việc học thuộc, đóng vai giáo viên làm bài kiểm tra miệng. Sự ủng hộ, giúp đỡ từ phía gia đình sẽ là nguồn động lực giúp trẻ thoải mái tinh thần trong việc học.
Bên cạnh việc giúp đỡ, hãy thường xuyên nhắc nhở, giám sát việc học của trẻ để đảm bảo không bị xao nhãng khi tự học. Tuy nhiên, bạn không nên dùng ngôn từ ép buộc hoặc chì chiết nếu trẻ không làm bài tập mà nên hỏi rõ nguyên do, cùng trẻ tìm ra giải pháp hoặc phạt bằng việc rút ngắn thời gian vui chơi.
4. Không thúc ép
Kỳ nghỉ dài không giống như những ngày đi học bình thường. Phụ huynh không nên kỳ vọng trẻ có thể hoàn thành bài tập một sớm một chiều hoặc dồn toàn bộ sự tập trung trong ngày cho việc học. Nếu bạn thúc ép học quá nhiều, con sẽ cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi và chán nản.
Thay vì vậy, hãy động viên trẻ học tập kết hợp với nghỉ ngơi phù hợp, ví dụ không thức khuya, không bỏ bữa để làm bài tập hoặc sau khi học xong một môn nên nghỉ ngơi, thư giãn trước khi bắt đầu môn tiếp theo.
Khi con hoàn thành bài tập, bố mẹ nên dành thời gian vui chơi cùng con hoặc làm những việc trẻ yêu thích. Xây dựng thời gian biểu linh hoạt sẽ giúp trẻ cân bằng giữa việc học và việc vui chơi trong kỳ nghỉ dài.
5. Thiết kế không gian học lý tưởng
Không gian học lý tưởng dành cho học sinh là nơi đủ điều kiện ánh sáng, không bị làm ồn, không bị xao nhãng bởi thiết bị công nghệ, đồ chơi và có đủ đồ dùng học tập. Phụ huynh nên sắp xếp cho con không gian học lý tưởng để các bé có thể tập trung tốt hơn vào việc học.
Trong thời gian nghỉ dài, giáo viên có thể giao thêm bài tập hoặc ra thông báo nhắc nhở. Nếu thay con quản lý thông tin, bạn nên cập nhật liên tục thông báo từ giáo viên, nhà trường. Chuẩn bị tài liệu học tập cho con như giáo viên hướng dẫn.
6. Tạo động lực
Mỗi ngày, phụ huynh có thể hỏi thăm con về tiến độ làm bài tập hoặc đề nghị giúp kiểm tra bài vở. Hãy khuyến khích con đặt câu hỏi hoặc gợi ý làm thêm bài tập liên quan nếu đã hoàn thành xong bài tập và còn thừa nhiều thời gian.
Khi con hoàn thành bài tập theo kế hoạch, bạn có thể khen thưởng bằng những phần quà nhỏ như nấu bữa ăn ngon, thêm thời gian chơi hoặc tặng món quà nhỏ. Những món quà này sẽ kích thích sự hào hứng, tinh thần học tập ở trẻ.
Ngoài ra, phụ huynh nên làm gương cho con về sự nỗ lực hoàn thành công việc. Bạn có thể mang việc ở công ty về nhà và cùng ngồi làm với con. Hãy nói rằng hai người sẽ cùng nhau hoàn thành công việc và nghiêm túc làm việc để trẻ chứng kiến sự nỗ lực của bạn. Trẻ em thường lấy cha mẹ làm gương nên khi nhìn vào sự cố gắng của cha mẹ, các em sẽ coi đó là động lực cho bản thân.
Tú Anh (Theo Verywell Family, Kids Health)