PGS. TS Nguyễn Ngọc Thơ và ca sĩ Nam Khánh là hai khách mời của tọa đàm The SACE Journey tập 6, chủ đề "Chọn trường cùng con", phát sóng trên VnExpress, ngày 19/4. Tại tọa đàm, hai diễn giả đã có nhiều chia sẻ về cách hướng nghiệp cho con, từ kinh nghiệm bản thân.
Theo thầy Thơ, cha mẹ sinh con trời sinh tính, phụ huynh không nên gò ép con theo ý mình, hay phải giống mình. Ông lấy ví dụ, bản thân có chuyện môn khoa học xã hội, nhưng hai con lại thích khoa học tự nhiên. "Qua quan sát, tôi thấy các con thích tìm hiểu về thiên hà, vũ trụ, không gian hơn là các vấn đề về xã hội", ông Thơ chia sẻ.
PGS Thơ thừa nhận, học hàm phó giáo tư, học vị tiến sĩ đôi khi cũng là trở lực với các con, nếu không khéo sẽ gây áp lực nên ngay từ đầu thầy xác định không muốn các con sau này phải giống bố. "Giải quyết được áp lực đầu tiên này cho các con, tôi thấy rất quan trọng để cả gia đình có thể thoải mái tâm sự, trò chuyện với nhau", ông nói.
Cũng theo ông Thơ, bố mẹ không sống cuộc đời của con được, bởi vậy hãy định hướng nghề nghiệp cho con theo sở thích, năng lực. Đơn cử, khi bố mẹ đã biết thế mạnh của con là Toán, Hóa hay Sinh học... bước tiếp theo là khơi gợi đam mê, hướng nghiệp, nhưng phải tinh tế vì trẻ thường có cái tôi lớn, không nên để chúng thấy đang bị dẫn dắt.
"Bạn lớn nhà tôi khích khoa học tự nhiên, nên mỗi khi có video ngắn về công nghệ sinh học, hay thông tin về những trường hợp thành công trên con đường Toán học, tôi thường gửi vào group gia đình. Tối về trong bữa cơm, cả nhà sẽ cùng trò chuyện về chủ đề đó, xem các con có thấy hay không, thích không, vì sao...", PGS. TS Ngọc Thơ lấy ví dụ.
Một cách hướng nghiệp khác nữa là các gia đình có thể tạo không gian để cùng nhau xem, chơi, hay đơn giản là trò chuyện mỗi ngày một cách khéo léo về các chủ đề mà phụ huynh muốn hướng con theo.
Gia đình ông Thơ thường dành thời gian xem chương trình thời sự nước ngoài để cập nhật tin tức, cũng như tích lũy vốn từ... Trong quá trình đó, sẽ có nhiều vấn đề hấp dẫn để thảo luận. Đơn cử, tương lai nghề nghiệp của người học chuyên về toán, hay câu chuyện khủng hoảng sinh học - Covid-19, các vấn đề về công nghệ thông tin. Vừa xem ông vừa phân tích để con hiểu rộng hơn về vấn đề. "Thực tế, trẻ có thể đam mê nhưng chưa có hiểu biết rộng và khả năng dự đoán tương lai, nên rất cần những định hướng, gợi ý từ phụ huynh", ông nhấn mạnh.
Tiết lộ bí quyết để con có thể thoái mái tâm sự, trò chuyện với bố mẹ, PGS. TS Nguyễn Ngọc Thơ cho biết, trong mọi trường hợp, ông luôn cố gắng đặt mình trong bối cảnh của con, để hiểu trong bối cảnh gia đình, nhà trường như vậy xã hội như vậy, con phải ứng xử thế nào với mọi người, từ đó hiểu tâm lý, sở thích của con hơn là đặt con trong bối cảnh của mình, vì người lớn từng ở độ tuổi trẻ con, chứ trẻ thì không.
Vị chuyên gia cũng lưu ý, phụ huynh khi lắng nghe chia sẻ của con, tuyệt đối không được so sánh con mình với con người khác, đây là căn bệnh xã hội. "Tôi từng thấy 10 em thì tới 7 em nói điều không thích nhất ở bố mẹ là hay so sánh. Phụ huynh mong con mình thành rồng là chính đáng, nhưng hãy nhìn lại mình đã thành rồng chưa", ông nói.
Với Nam Khánh, dù là ca sĩ thành danh nhưng anh đồng tình với quan điểm không ép buộc con theo nghề của bố và hướng nghiệp dần cho con bằng cách chia sẻ các khái niệm nghề nghiệp, thay vì áp đặt phải chọn lựa.
"Có thời gian tôi thử cho bé lớn học đàn piano để khi stress hay mệt mỏi, con có thể dùng âm nhạc để xoa dịu tâm hồn, nhưng không hiệu quả. Bé thích thể thao hơn", anh nói. Lúc đó, anh hiểu rằng, bố mẹ sinh ra con nhưng không thể áp buộc suy nghĩ cũng như sự sĩ diện của mình lên con để bắt con phải làm theo ý mình, hay trở thành ông này, bà kia...
Chia sẻ về quan điểm phải làm sao khi con thích làm những nghề không theo xu hướng số đông, nam ca sĩ cho rằng, sở thích của con có thể sẽ phù hợp với những nghề không thời thượng, nhưng bố mẹ đừng vội tạo áp lực vì đôi khi trẻ chưa định hình được nghề nghiệp một cách rõ ràng. Lúc này, phụ huynh có nhiều cách để khơi gợi, dần định hướng sở thích cho con.
Anh lấy ví dụ từ bản thân, khi bé lớn bảo muốn làm game thủ, youtuber hay người tạo game, anh nói "nếu con chơi game tối ngày thì sẽ rất mệt, nhưng nếu viết game thì có thể kiếm tiền được". Khi con lớn hơn, hai bố con sẽ thủ thỉ "dịch Covid-19 thế này mà nhà có bác sĩ thì hay quá con nhỉ".
Hay những lúc con nói chuyện về nghề nghiệp, thay vì chỉ nói khơi khơi con nên chọn nghề này, suy nghĩ về nghề kia... anh chọn cách phân tích cụ thể vào bản chất nghề, kết nối với tính cách, sở thích của con, như "khi lớn lên con muốn cuộc sống như thế nào, nếu thích nhẹ nhàng thì có thể chọn học đàn, muốn làm giàu thì cân nhắc các nghề về kinh doanh, đầu tư...
Nam ca sĩ cho rằng những câu chuyện đời thường nhưng có sự định hướng một cách "đầy dụng ý" của cha mẹ sẽ khiến con trẻ dễ tiếp nhận hơn - hãy gieo vào đầu con những khái niệm về nghề, như nghề đó là gì, tính chất công việc ra sao, phù hợp với những người có tính cách thế nào...
"Thực tế nhiều khi trẻ nói thích nghề này, nghề kia nhưng chưa có sự tìm hiểu nghiêm túc về bản chất của nghề. Nên với vai trò là bố mẹ, tôi cho rằng việc định hình các khái niệm về nghề cho con rất quan trọng", anh nhấn mạnh.
Thế Đan (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Chuỗi Tọa đàm The SACE Journey - Hành trình vào đại học top thế giới từ lớp 10 nằm trong khuôn khổ Education Connect - Cổng kết nối giáo dục do báo điện tử VnExpress tổ chức cùng Trường Quốc tế đơn ngữ Scotch AGS. Các chuyên gia sẽ thảo luận những chủ đề về giáo dục nhằm đánh giá về thách thức của phụ huynh Gen Z khi đồng hành cùng con, đồng thời chia sẻ quan điểm mang tính định hướng dành cho học sinh cấp 3.
Scotch College Adelaide - hệ thống giáo dục quốc tế với hơn 100 năm phát triển ở Australia đã có mặt tại Việt Nam, khởi đầu bằng việc ra mắt Trường Quốc tế Đơn ngữ Scotch AGS từ lớp 1 đến lớp 12, chuẩn hoá từ chương trình đào tạo quốc gia Australia (ACARA), nhận bằng Tú tài Australia - SACE, có giá trị quốc tế.
Độc giả đăng ký tham dự tại đây