![]() |
Các bé nhạy cảm hay lo lắng, sợ hãi. Ảnh: Corbis.com. |
Mỗi đứa trẻ là một cá nhân độc lập và chúng ta nên chấp nhận tính cách "trời sinh" của chúng. Tuy nhiên, đối với các trẻ nhạy cảm, các bậc cha mẹ nên dạy con cách xử lý các tình huống căng thẳng theo cách thức lành mạnh và có hiệu quả.
Giúp đỡ và thỉnh thoảng cho bé tự quyết
Khi bước vào tuổi đến trường, trẻ sẽ phải tiếp xúc với nhiều bạn bè và thầy cô giáo. Những người này không dễ thay đổi cách xử sự để thích nghi với tính khí của con bạn. Điều này sẽ khiến các bé nhạy cảm trở nên tức giận và lo lắng. Vì thế, có những lúc, bố mẹ phải can thiệp và giúp đỡ bé.
Tuy nhiên, bất cứ lúc nào có thể, bạn hãy cho bé quyền tự giải quyết các việc liên quan đến chúng. Nếu can thiệp quá sớm, chẳng khác nào bạn ngụ ý rằng "con thật vô dụng" và điều này khiến bé nghĩ bố mẹ thiếu tin tưởng chúng
Dạy con rằng lời nói của người khác không thể làm đau bé
Những em bé nhạy cảm dễ bị tổn thương bởi hành động hay lời nói của người khác. Đôi khi, chúng đánh mất sự hồn nhiên của tuổi thơ chỉ vì một câu nói nào đó. Vì thế, thay vì tiếp xúc với thế giới bên ngoài một cách vui vẻ, thoải mái, các em lại e dè, ngại ngùng và bắt đầu lo lắng về việc người khác nhìn và phản ứng với mình ra sao.
Khi yêu cầu điều gì, những em này thường cố gắng "đọc" ý nghĩ của người lớn để xem chúng có được chấp nhận hay không. Do đó, các em không thể tận hưởng niềm vui hiện tại vì bận nghĩ xem mình sẽ được khen hay sẽ bị chê.
Cha mẹ rất khó dạy các bé có tính nhạy cảm không nên quá để tâm đến những lời nói gây tổn thương rồi sinh ra buồn bã. Nhưng chúng sẽ phải đối mặt với vấn đề này rất nhiều lần trong đời.
Chính sự nhạy cảm của bé là một phần tạo nên tính hay động lòng trắc ẩn, dễ đồng cảm và yêu thương. Chúng ta không muốn thay đổi bản tính của trẻ, nhưng cũng không muốn thấy con bị tổn thương trước những nhận xét hay hành động thô lỗ và vô tâm của người khác.
Thực hành những gì bạn dạy chúng
Trẻ nhạy cảm thường có bố hay mẹ cũng thuộc loại này. Nếu vậy, bạn hãy cố gắng thay đổi cách phản ứng của mình. Con bạn đang nhìn và học từ bạn đấy.
Giúp trẻ biết rằng những em bé không hạnh phúc có thể trở nên độc ác và tàn nhẫn
Hãy bắt đầu dạy trẻ rằng những gì người khác nói có liên quan đến chính họ nhiều hơn là đến bé. Từ khi học tiểu học, trẻ có thể hiểu người ta đôi lúc nói những lời không đáng nói chỉ vì họ không cảm giác hạnh phúc hay đang chán nản với chính bản thân họ.
Dạy con "rút những mũi tên tẩm độc ra"
Bạn có thể dạy bé rằng những lời nói gây tổn thương cũng giống như các mũi tên tẩm thuốc độc và trẻ cần phải rút chúng ra càng nhanh càng tốt trước khi chất độc thấm vào da thịt. Bố mẹ nên tạo thói quen nói câu "tên độc" hay "rút vòi ong vò vẽ ra nào" mỗi khi có ai đó nói những lời không hay gây tổn thương cho con, và hành động như thể chúng ta làm điều đó. Hãy dạy con bạn thực hành theo ba mẹ.
Dạy trẻ cách thư giãn và tự kiềm chế cơn giận
Trẻ sẽ trở nên kiên cường và đối phó hiệu quả hơn trước những tình huống căng thẳng khi chúng giữ được tâm trí tĩnh lặng, thư giãn.
(TheoTuổi Trẻ)